Biến hóa đất vàng nhà nước vào tay tư nhân
Tỉnh Khánh Hòa duyệt cho đơn vị nhà nước tham gia liên doanh rồi rút khỏi liên doanh để giao khu đất vàng cho tư nhân mà không đấu giá đất.
- 14-06-2018Hơn 10.000m2 “đất vàng” Lã Vọng thâu tóm của Sông Nhuệ hiện nay ra sao?
- 13-06-2018Dự án cao ốc hơn 40 tầng nằm “đắp chiếu” trên đất vàng Đà Nẵng
- 12-06-2018Tập đoàn Lã Vọng – “ông trùm” BT, sở hữu hàng loạt dự án “đất vàng” Hà Nội như thế nào?
Công ty TNHH Điện ảnh-Dịch vụ văn hóa Sao Việt vừa khai trương Trung tâm Điện ảnh-Dịch vụ văn hóa Sao Việt tại số 10 Hoàng Hoa Thám, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Mang tên gọi như vậy nhưng thực chất đây là tổ hợp khách sạn-nhà hàng-dịch vụ du lịch.
Sự ra đời của dự án này đã “khai tử” rạp chiếu phim của Nhà nước cuối cùng tại Nha Trang. Điều đáng nói nhất là quá trình biến hóa khu đất công tại vị trí vàng thành đất cho công ty tư nhân.
Đơn vị nhà nước tham gia rồi “hô biến”
Theo hồ sơ, đầu năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa (thuộc Sở Văn hóa-Thể thao) và Công ty TNHH Tân Thịnh Phát (TP Nha Trang) thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án Trung tâm Sao Việt trên khu đất số 10 Hoàng Hoa Thám, TP Nha Trang. Khu đất này vốn do Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa thuê sử dụng.
Thời điểm đó, Sở Tài chính định giá số tài sản còn lại của rạp chiếu phim tại số 10 Hoàng Hoa Thám có giá trị hơn 6 tỉ đồng. Đây cũng chính là tài sản làm vốn góp của Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa vào dự án xây rạp chiếu phim mới.
Tháng 6-2013, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sao Việt để thực hiện dự án tại khu đất rộng 1.000 m2 tại số 10 Hoàng Hoa Thám. Giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ mục tiêu của dự án là “xây dựng trung tâm văn hóa đa chức năng, tổ chức luyện tập, biểu diễn các loại hình nghệ thuật, mrạp chiếu phim, video với kỹ thuật hiện đại cùng các dịch vụ vui chơi, giải trí khác”. Dự án có thời gian hoạt động 50 năm, nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi theo Nghị định 69/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Trung tâm Điện ảnh-Dịch vụ văn hóa Sao Việt thực chất là một tổ hợp khách sạn-nhà hàng. Ảnh: TẤN LỘC
Tháng 8-2013, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 1.000 m2 đất tại Hoàng Hoa Thám do Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa thuê sử dụng. Đồng thời, UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất toàn bộ diện tích này cho Công ty Sao Việt để thực hiện dự án Trung tâm Sao Việt. Đến ngày 1-10-2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp về dự án Trung tâm Sao Việt. Ông Thắng kết luận: Đồng ý chủ trương việc Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa không tham gia góp vốn đầu tư liên doanh với Công ty TNHH Tân Thịnh Phát để thực hiện dự án Trung tâm Sao Việt. Công ty TNHH Tân Thịnh Phát có trách nhiệm nộp số tiền bồi hoàn giá trị tài sản còn lại hơn 6 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước và khẩn trương triển khai dự án.
Bảy ngày sau, ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó, có công văn thống nhất thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch công trình Trung tâm Sao Việt với quy mô 12 tầng và một tầng hầm. Trong đó có 52 phòng nghỉ khách sạn, ba rạp chiếu phim, một sân khấu biểu diễn cùng các khu dịch vụ. Dự án vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi xã hội hóa.
Giao đất vàng cho công ty tư nhân, không đấu thầu
Ngày 27-11-2015, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, ký quyết định thu hồi 974 m2 đất tại số 10 Hoàng Hoa Thám do Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa thuê sử dụng. UBND tỉnh cho Công ty Sao Việt ( lúc này chỉ còn mỗi Công ty Tân Thịnh Phát) thuê toàn bộ diện tích này để thực hiện dự án Trung tâm Sao Việt. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, hình thức thuê đất là trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Tiếp đó, UBND tỉnh thống nhất cho Công ty Sao Việt mở rộng diện tích sử dụng đất lên thành gần 1.100 m2, tăng số tầng lên 14 tầng và một tầng hầm. Đặc biệt, UBND tỉnh cho dự án tăng từ 52 phòng lên thành 168 phòng nghỉ đạt chuẩn khách sạn bốn sao.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay Trung tâm Sao Việt đang hoạt động với tư cách một tổ hợp khách sạn-nhà hàng-dịch vụ du lịch rất quy mô. Bên trong tổ hợp này có một số phòng chiếu phim nằm ở vị trí khá khiêm tốn. Ngoài ra, hầu như không có hoạt động, dịch vụ văn hóa nào khác như mục tiêu ban đầu của dự án. Theo một cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đây là một trong những dự án gây bức xúc đối với nhân dân, cán bộ tỉnh này thời gian qua.
“Họ dùng “chiêu” cho đơn vị nhà nước liên doanh rồi chỉ đạo rút khỏi liên doanh để né đấu thầu, giao đất vàng cho tư nhân. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết giá cho thuê khu đất vàng này rẻ mạt” - vị cựu chủ tịch UBND tỉnh nói.
PV đã gửi văn bản đăng ký làm việc và đề nghị cung cấp thông tin đến lãnh đạo các sở Tài chính, TN&MT để tìm hiểu về quá trình giao đất, tiền cho thuê đất đối với dự án trên nhưng chưa được phản hồi.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận trong “ruột” của Công ty Sao Việt hiện là công ty tư nhân vì đơn vị nhà nước đã rút khỏi liên doanh.
Phải chăng việc dùng một đơn vị nhà nước tham gia liên doanh (rồi rút) là để né đấu thầu? Ông Nam giải thích: “Theo quy định Luật Đất đai, đối với đất công, tài sản công thì phải đấu giá. Ai đấu trúng thì thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Ở đây, tỉnh lấy Luật Đầu tư làm trước. Tỉnh không đặt vấn đề đất công lên trước. Hồi đó không ai đặt vấn đề xem có phù hợp quy hoạch hay không, nhà đầu tư có năng lực không, quyền sử dụng đất như thế nào… Hiện nay các sở đang rà soát lại”.
Trả lời câu hỏi phải chăng tỉnh cho Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa rút khỏi liên doanh là để giao khu đất công cho tư nhân, ông Trần Hòa Nam cho rằng việc này do nhà đầu tư trình UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư không nắm, không tham mưu, đề xuất.
“Đối với Khánh Hòa, chuyện này là bình thường vì có nhiều trường hợp tương tự. Ví dụ, các dự án du lịch đều cho phép công ty của tỉnh liên doanh với một công ty khác thành lập pháp nhân mới. Sau đó, công ty của tỉnh tham gia không nổi nên rút đi. Lúc đó pháp nhân vẫn còn thôi” - ông Nam nói.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết những vấn đề liên quan dự án trên mà PV đặt ra đang được Thanh tra Chính phủ làm rõ như tại sao không đấu giá, vì sao đơn vị nhà nước rút khỏi liên doanh, việc giao đất công cho tư nhân…
Khu đất vàng đã được sang bán?
Theo hồ sơ, trong giấy chứng nhận đầu tư của dự án Trung tâm Sao Việt, người đại diện theo pháp luật của Công ty Sao Việt là ông Nguyễn Thư Trang, Tổng Giám đốc Công ty Sao Việt và cũng là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thịnh Phát. Tuy nhiên, từ năm 2016, tổng giám đốc của Công ty Sao Việt là bà Hoàng Lệ Hoa. Người này lại trùng tên với tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch biển Nam Hùng. Trên một số trang mạng, dự án Trung tâm Sao Việt lại được giới thiệu do Công ty CP Đầu tư Samsungvinamax Việt Nam (Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho rằng pháp nhân hiện nay của Công ty Sao Việt chưa thay đổi nên không đặt vấn đề có thay đổi chủ đầu tư hay không.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh