MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biên lợi nhuận doanh nghiệp nhựa quý II cải thiện, triển vọng nửa cuối năm sáng khi giá nguyên liệu giảm

Biên lợi nhuận doanh nghiệp nhựa quý II cải thiện, triển vọng nửa cuối năm sáng khi giá nguyên liệu giảm

Nhiều doanh nghiệp như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Việt Nam báo cáo biên lợi nhuận gộp tăng trong quý II nhờ giá nguyên liệu giảm.

Biên lợi nhuận cải thiện

Nhựa Bình Minh ( HoSE: BMP ) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 7% song lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp 3,5 lần quý II/2021 chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 12,9% lên 25,1%. Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải giá nguyên liệu nhựa giảm trong khi giá bán vẫn giữ nguyên đã giúp lợi nhuận tăng mạnh.

Nhựa thiếu niên Tiền Phong ( HNX: NTP ) – doanh nghiệp cùng phân khúc sản phẩm ống nhựa với Nhựa Bình Minh cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan quý vừa qua. Cụ thể, doanh thu tăng 38% đạt 1.717 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp gấp đôi lên 504 tỷ đồng. Biên lợi nhuận 29,3%, tăng mạnh so với mức 19,9% quý II/2021. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí bán hàng cùng tăng mạnh, đặc biệt là chi phí bán hàng gấp 4 lần lên 232 tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng còn tăng 26%, đạt 177 tỷ đồng.

Nhựa Việt Nam ( UPCoM: VNP ) báo cáo biên lợi nhuận gộp quý II tăng từ 0,45% lên 3,6%, lợi nhuận gộp đạt 2,4 tỷ đồng gấp nhiều lần con số 316 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động liên doanh liên kết giảm mạnh từ 34 tỷ về 11,5 tỷ đồng đã khiến lãi ròng công ty giảm 46% so với cùng kỳ năm trước xuống 16,4 tỷ đồng.

Tương tự, Nhựa Đông Á ( HoSE: DAG ) công bố doanh thu quý II tăng 8% lên 633 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 5 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 393 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 4,4% lên 5%.

Theo dữ liệu Bloomberg, giá hạt nhựa PVC – nguyên liệu chính làm ra ống nhựa, dây điện… sau khi đạt đỉnh 1.850 USD/tấn vào cuối tháng 10/2021 đã dần hạ nhiệt. Tính đến cuối tháng 6, giá rớt về vùng 1.000 USD/tấn, giảm 46% từ đỉnh và về vùng giá tháng 9/2020, thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.

Biên lợi nhuận doanh nghiệp nhựa quý II cải thiện, triển vọng nửa cuối năm sáng khi giá nguyên liệu giảm - Ảnh 1.

Đơn vị: USD/tấn

Tương tự, giá hạt nhựa PP và PE chuyên sản xuất màng nhựa, bao bì thực phẩm… cũng giảm giá. Giá nhựa PE tính đến đầu tháng 7 ở vùng 7.909 nhân dân tệ/tấn, giảm 20% so với vùng giá tháng 9/2021. Giá hạt nhựa giảm do nhu cầu yếu khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid và giá dầu quay đầu giảm trong thời gian gần đây.

Biên lợi nhuận doanh nghiệp nhựa quý II cải thiện, triển vọng nửa cuối năm sáng khi giá nguyên liệu giảm - Ảnh 2.

Nguồn: TradingEconomics


Chứng khoán BVSC nhận định giá PVC thuận lợi sẽ giúp triển vọng nửa cuối năm của Nhựa Bình Minh tăng mạnh, mở rộng biên lợi nhuận gộp. Lãnh đạo doanh nghiệp tại buổi analyst gần đây cho biết không có kế hoạch điều chỉnh giá bán từ nay đến cuối năm, điều này đồng nghĩa với việc giá bán vẫn duy trì ở mức cao sau nhiều lần điều chỉnh tăng trong năm 2021.

Mặt khác, sản lượng tiêu thụ tiếp tục phục hồi nhờ giá thép hợp lý hơn sau nhiều đợt điều chỉnh thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng nửa cuối năm 2022 kéo theo nhu cầu đối với ống nhựa tăng. Đồng thời, công ty có kế hoạch tăng thị phần ở miền Trung và Tây Nguyên bằng một số chiến dịch như miễn phí giao hàng cho các đơn hàng trên 50 triệu và các sự kiện giới thiệu sản phẩm và chính sách cho khách hàng dự án.

Nhóm An Phát Holdings chịu tác động trái chiều

Tập đoàn An Phát Holdings ( HoSE: APH ) có 2 mảng kinh doanh chính gồm sản phẩm nhựa và thương mại hạt nhựa. Do vậy, diễn biến giá hạt nhựa giảm trong quý II giúp biên lợi nhuận mảng sản xuất bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa xây dựng cải thiện nhưng mảng thương mại hạt nhựa giảm. Mảng thương mại hạt nhựa chiếm 62-44% tổng doanh thu tập đoàn khiến biên lợi nhuận gộp chung giảm. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp mảng thương mại hạt nhựa giảm từ 6% quý II/2021 xuống 2,4%, mảng sản xuất sản phẩm nhựa duy trì mức 19,3%. Biên lợi nhuận chung giảm từ 12,2% xuống 9,1%.

Trong quý, tập đoàn báo cáo doanh thu tăng 35% lên 5.080 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 450 tỷ xuống 444 tỷ đồng. Hoạt động tài chính khởi sắc cùng giảm lỗ hoạt động liên doanh liên kết đã giúp lợi nhuận ròng APH tăng 54% đạt 29 tỷ đồng.

Tương tự, Nhựa An Phát Xanh ( HoSE: AAA ) – đơn vị thành viên của APH Holdings đạt doanh thu 4.612 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đi ngang ở mức 85 tỷ đồng.

Công ty con phát triển mảng kinh doanh hạt nhựa của tập đoàn – An Tiến Industries ( HoSE: HII ) ghi nhận doanh thu quý II tăng 44,5% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 34%. Doanh nghiệp lý giải thị trường hạt nhựa nguyên liệu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do xung đột Nga – Ukraine và dịch bệnh, giá giảm trong quý II khiến lợi nhuận hoạt động thương mại giảm mạnh.

Ngược lại, Nhựa Hà Nội ( HoSE: NHH ) chuyên cung ứng sản phẩm nhựa kỹ thuật (linh kiện, phụ kiện nhựa ngành ôtô, xe máy, điện tử…) báo cáo lợi nhuận tăng 21% lên 10,3 tỷ đồng dù doanh thu gần như đi ngang ở mức 533 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,6% lên 16,4% và giảm lỗ hoạt động liên doanh liên kết từ 18 tỷ quý II/2021 về 0 là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận.

Theo Ngọc Điểm

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên