MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu tài sản 2.800 tỷ, vị chủ tịch vừa từ nhiệm "cảm ơn người đã cứu sống tôi trong tai nạn"

Ông là người sáng lập và điều hành tập đoàn này từ thập kỷ 90 đến nay.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) công bố ông Nguyễn Trọng Thông - người sáng lập Tập đoàn Hà Đô - có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Thành viên Hội đồng quản trị.

Trong đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953) cho biết vì tuổi tác, sức khoẻ và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.

"Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng, xây dựng được lực lượng kế nhiệm và đã có ý kiến trong 2 kỳ đại hội thường niên năm 2022 và 2023", ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Thông, đồng thời là nhà sáng lập Hà Đô, cho rằng HĐQT tập đoàn sẽ có chút lo lắng rằng sự từ nhiệm này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty.

Do đó, dù không còn tham gia vào HĐQT, nhưng vì trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư, ông có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là "Chủ tịch sáng lập" để giúp đỡ HĐQT hoạt động ổn định, đảm bảo vốn đầu tư của cổ đông tiếp tục hiệu quả.

Sở hữu tài sản 2.800 tỷ, vị chủ tịch vừa từ nhiệm

Ông Nguyễn Trọng Thông, sinh năm 1953, xin từ nhiệm Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 mới đây, ông Thông cũng đã đề cập đến mong muốn chuyển giao việc nắm quyền bền vững cho thế hệ sau.

"Năm nay tôi đã hơn 70 tuổi, trách nhiệm của tôi là chuyển giao càng sớm càng tốt. Cổ đông nên ủng hộ tôi chuyển giao một cách bền vững, như vậy tốt hơn cho cổ đông, hơn là tôi ngồi ở đây", ông Thông khẳng định.

Ông Nguyễn Trọng Thông là kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, tốt nghiệp trường ĐH Xây dựng. Tại Hà Đô, ông Thông hiện sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG (tương đương 31,83% vốn). Với giá cổ phiếu HDG đang giao dịch quanh mức 28.000 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Thông nắm giữ hơn 2.750 tỷ đồng.

Tập đoàn Hà Đô, tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng thuộc Viện Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng, được thành lập năm 1990. Cái tên Hà Đô xuất hiện từ năm 1992 với tên Công ty Xây dựng Hà Đô. Công ty trải qua nhiều lần thay đổi cơ cấu nhưng cái tên này được giữ đến nay. Năm 2004, Công ty Cổ phần Hà Đô ra mắt.

Hiện Hà Đô hoạt động 3 lĩnh vực chính: Bất động sản, phát triển năng lượng và đầu tư tài chính.

Sở hữu tài sản 2.800 tỷ, vị chủ tịch vừa từ nhiệm

"Cá nhân tôi đã phải trả giá cho điều này hay điều kia"

Cách đây một tháng, trong một bức thư đăng trên trang web của công ty, ông Nguyễn Trọng Thông tâm sự hành trình dài gắn bó với Tập đoàn Hà Đô. "Những doanh nghiệp có pháp nhân từ những năm 1990 là những doanh nghiệp đi tiên phong mà có khả năng duy trì được phát triển liên tục cho tới nay thì có thể tính trên bàn tay", ông tâm sự trong thư.

Cũng theo ông, hơn nữa Hà Đô là doanh nghiệp nhà nước đi lên từ hai bàn tay trắng ở một viện khoa học công nghệ quân sự không một đồng vốn của nhà nước. Ông viết tiếp: "Cảm ơn Viện Kỹ thuật Quân sự đã tạo cho chúng ta môi trường khoa học với tư duy sáng tạo và luôn trân trọng quyền tự do dân chủ và pháp luật. Hỗ trợ hiệu quả chí tình đồng chí đồng đội khi ta tai nạn, hoạn nạn".

Sở hữu tài sản 2.800 tỷ, vị chủ tịch vừa từ nhiệm

Ông Nguyễn Trọng Thông cảm ơn nhân viên đã nỗ lực, đồng hành và cứu ông trong tai nạn.

Hà Đô là một trong những công ty nhà nước, đặc biệt là của Bộ Quốc phòng, được cổ phần hoá đầu tiên. Ông Thông tin tưởng "chúng ta đã chủ động lựa chọn theo phương thức mang tính quy luật của nền kinh tế thế giới từ rất sớm và chính điều đó đã đặt nền tảng cho Tập đoàn Hà Đô hùng mạnh ngày hôm nay".

Gần cuối thư, nhà sáng lập Tập đoàn Hà Đô viết "cảm ơn các bạn rất nhiều đã nỗ lực, đã đồng hành xây dựng, có người đã cứu sống tôi trong tai nạn. Xin trân trọng cảm ơn "nửa kia" của các bạn đã chung lưng đấu cật, đã hy sinh thầm lặng để cho các bạn toàn tâm toàn ý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Ông Thông cho rằng: Thường khi về già có 5 điều làm con người ta ân hận. Trong đó có Tuổi trẻ đã không nỗ lực rèn luyện học tập phấn đấu; Đã chọn sai con đường mình đi; Không chăm lo giáo dục con cái hoặc đã sai trong giáo dục con; Phí hoài sức, không chăm lo cho sức khỏe của mình kịp thời và Không quan tâm, trân trọng người bạn đời của mình.

"Cá nhân tôi đã phải trả giá cho điều này hay điều kia, các bạn đã hoàn thành xuất sắc tất cả những điều trên. Tôi tự hào đã đồng hành cùng các bạn gần nửa thế kỷ qua", ông nhắn gửi đến nhân viên Hà Đô.

Theo Dy Khoa

Đời Sống Pháp Luật

Từ Khóa:
HDG
Trở lên trên