Biến thể B.1.1.529 có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến thể Delta
Một nhà dịch tễ học hàng đầu cho biết, biến thể B.1.1.529 có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến thể Delta.
- 26-11-2021Biến thể Delta 'tự hủy diệt' ở Nhật Bản: Chuyên gia nói chưa thể vội mừng
- 23-11-2021Delta có phải là ‘siêu biến thể’ cuối cùng của COVID-19 không?
- 22-11-2021[eMagazine] Biến thể Delta tự diệt tại Nhật Bản?
Biến thể mới được cho là có 32 đột biến trong protein gai – bộ phận mà virus dùng để liên kết với tế bào của con người, có khả năng chống lại kháng thể của cơ thể người, làm giảm hiệu quả của vaccine. B.1.1.529 xuất hiện lần đầu tiên ở phía Nam châu Phi, hiện giờ đã được phát hiện tại Bỉ, Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Israel. Các nhà khoa học mô tả đây là “biến thể tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 từng được biết cho đến nay” và lo ngại nó sẽ nhanh chóng lan rộng.
Tiến sĩ Eric Feigl-Ding, một nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) đã đăng tải một loạt dòng Tweet, giải thích về lợi thế cạnh tranh tiềm năng của biến thể mới so với biến thể cũ.
“Biến thể B.1.1.529 có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến thể Delta – một chỉ số kinh ngạc nhất từ trước đến nay. Sự xuất hiện của biến thể mới này đã gây ra sự chấn động trên toàn thế giới. Nó thực sự tồi tệ”, ông Feigl-Ding viết trên Twitter, đồng thời đăng tải biểu đồ thể hiện lợi thế của B.1.1.529.
Ông lưu ý rằng, B.1.1.529 có số lượng “đột biến xấu trong protein gai” nhiều gấp đôi so với biến thể Delta. Biến thể mới này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là Omicron.
Anh, Singapore, Nhật Bản và Israel đã áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại từ miền Nam châu Phi do lo ngại về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi, biến thể này đã được phát hiện ở Gauteng, thành phố đông dân nhất đất nước với tần suất tương đối cao.
VOV