Biến thể Delta xuất hiện ở đâu, thống trị ở đó: Nỗ lực của châu Âu sắp "đổ sông đổ biển"?
Làn sóng đại dịch mới từ biến chủng Delta đang phủ bóng các nước châu Âu, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh tiếp tục bùng phát và ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa để cứu vãn nền kinh tế.
- 22-06-2021Tác động từ khủng hoảng chip bắt đầu lan rộng, người tiêu dùng sắp phải trả nhiều tiền hơn để mua laptop, smartphone
- 22-06-2021Triệu chứng COVID-19 đang thay đổi: Nghiên cứu phát hiện 4 triệu chứng phổ biến mới
- 22-06-2021Các trung tâm tài chính thế giới "chật vật" kéo nhân viên trở lại văn phòng thời hậu covid-19
Biến chủng Delta, lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ, đang dần dần càn quét khắp Vương quốc Anh, thống trị ở Bồ Đào Nha và xuất hiện các cụm bệnh đáng lo ngại trên khắp Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Diễn biến này khiến các quan chức y tế châu Âu phải lên tiếng cảnh báo cần có thêm hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để làm chậm sự lây lan của biến chủng này.
"Đừng để biến chủng Delta chiếm thế thượng phong"
Trong bài viết ngày 21/6, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản trích dẫn báo cáo phân tích của Financial Times về dữ liệu gen toàn cầu (theo cơ sở dữ liệu theo dõi virus Gisaid) cho biết, mặc dù biến chủng Delta vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca nhiễm ở châu Âu, nhưng nó đang tăng dần đều. Hiện biến chủng này đã chiếm đến 96% các ca nhiễm mới tại Bồ Đào Nha, hơn 20% ở Italia và khoảng 16% tại Bỉ.
Khả năng lây lan nhanh, mạnh với nhiều triệu chứng của biến chủng Delta có thể cản trở những nỗ lực mà EU đã đạt được trong hai tháng qua: đó là giảm các ca nhiễm mới và tử vong xuống mức thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, khi phát biểu trước các phóng viên tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô Paris hồi tuần trước, đã nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong cuộc chiến tiêu diệt virus và chấm dứt đại dịch, và chúng ta không được phép để biến chủng Delta chiếm thế thượng phong, phá hủy tất cả các nỗ lực".
Vị bộ trưởng này cho biết, biến chủng Delta hiện đã chiếm 2% đến 4% các mẫu virus được phân tích ở Pháp. "Mọi người có thể nghĩ rằng, mức này vẫn còn thấp nhưng mọi việc đang tương tự như tình hình ở Anh vài tuần trước", Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo. Trong khi đó, Financial Times cho thấy con số này có thể cao hơn nhiều.
Người dân đi bên bờ sông Seine ở Pháp hồi tháng 2/2021. Ảnh: Reuters
Tại Bồ Đào Nha, biến chủng Delta đang lây lan trong cộng đồng tại khu vực Lisbon mở rộng, nơi mà đã ghi nhận khoảng 60% tổng số ca nhiễm mới trong tuần qua tại nước này. Chính phủ Bồ Đào Nha hiện đã ban hành lệnh cấm rời khỏi thành phố cũng như các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng này sang các nơi khác.
Tại Anh, chính phủ Anh trong tuần này đã tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa thêm 4 tuần dù đã lên kế hoạch mở cửa vào ngày 21/6 sau khi các dữ liệu công bố cho thấy biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2.2 lần so với biến chủng Alpha được phát hiện lần đầu tiên tại Anh. Nhà virus học Bruno Lina, cố vấn của chính phủ Pháp và giúp điều phối trình tự các biến chủng trong nước, cho biết: "Các quyết định mở cửa trở lại của Anh sẽ là một thử nghiệm đối với châu Âu".
1 mũi vắc xin Covid-19 kém hiệu quả với biến chủng Delta
Các nhà khoa học cho biết, việc các cụm bệnh biến chủng Delta có bùng phát thành dịch lớn hơn hay không sẽ phụ thuộc một phần vào số lượng người đã được tiêm vắc xin đầy đủ, cũng như ý thức của người dân.
Các nhà khoa học trên khắp châu Âu hiện đang tập trung vào Anh, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua, trong đó biến chủng Delta chiếm khoảng 98% tổng số ca nhiễm mới. Họ muốn đến tìm hiểu để xem điều gì đã xảy ra ở Anh, dự báo làn sóng dịch bệnh để từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời với đại dịch.
Người dân Anh đi tiêm chủng. Ảnh: EPA
Theo nghiên cứu gần đây của chính phủ Anh, giải pháp cho vấn đề này là nhanh chóng tăng tốc tiêm vắc xin. Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh, 1 mũi vắc xin Covid-19 rất ít hiệu quả đối với biến chủng Delta so với các chủng trước đó. Khả năng bảo vệ chống lại biến chủng Delta sẽ tăng từ 33% (1 liều tiêm) lên 81% khi tiêm đầy đủ 2 liều. Tại Anh, khoảng 46% dân số đã được tiêm đầy đủ nhưng ở hầu hết các quốc gia châu Âu khác thì con số này chỉ dao động ở mức 20-30%.
Tại Pháp, khoảng 26% dân số ở Pháp đã được tiêm đầy đủ. Các nhà chức trách Pháp hiện đang nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát ở vùng Landes, gần biên giới Tây Ban Nha, khi khu vực này ghi nhận 125 ca nhiễm biến chủng Delta và 130 ca nghi ngờ, chiếm khoảng 30% các ca nhiễm mới trong khu vực. Các cụm lây nhiễm biến chủng Delta cũng đã xuất hiện ở ngoại ô phía nam của Paris và một trường nghệ thuật ở Strasbourg trong những tuần gần đây. Và khi mỗi ca mới được phát hiện, các quan chức y tế đã phản ứng với cùng một "công thức": tăng cường truy vết và đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng.
"Nếu tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm vắc xin với tốc độ tốt và có một số biện pháp phòng chống không phải dùng thuốc như đeo khẩu trang, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn dịch bệnh vào mùa hè này", Nhà virus học Lina lạc quan cho biết. Theo chuyên gia này, biến chủng này sẽ thay thế những biến chủng khác - phải ghi nhớ điều đó - nhưng không có nghĩa là nó sẽ dẫn đến một làn sóng dịch mới.
Trong khi đó, một số nhà khoa học lại lo rằng, biến chủng Delta có thể đã lan rộng nhưng chưa bị phát hiện do các nước ít thực hiện việc giải trình tự gen để xác định các biến chủng. Trong khi Anh đã giải trình tự hơn 500.000 bộ gen SARS-CoV-2, Đức, Pháp và Tây Ban Nha chỉ mới giải mã trình tự khoảng 130.000, 47.000 và 34.000 bộ gen. Nguyên nhân, theo Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) là: "Nó tốn kém, tốn thời gian nên thường bị bỏ quên".
Nhưng Đan Mạch thì khác. Quốc gia này gần đây tiến hành giải trình tự gen nhiều và xác định chỉ một số lượng nhỏ các ca nhiễm biến chủng Delta dù biến chủng này xuất hiện ở nước này cùng thời điểm ở Anh. Các chuyên gia cho biết, điều này có thể được giải thích là do sự khác biệt về nhân khẩu học và các hoạt động đi lại giữa hai nước, bao gồm cả số ca nhập cảnh từ các khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, chẳng hạn như Ấn Độ.
"Sự khác biệt về tốc độ lan rộng của biến chủng Delta ở các nước châu Âu vẫn còn là một điều bí ẩn", Jeff Barrett, giám đốc Sáng kiến gen Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger ở Cambridge (Anh) nhận định.
Cho đến nay, nhiều chuyên gia tin rằng, biến chủng Delta xuất hiện ở nơi nào là sẽ thống trị ở đó. Các chuyên gia lưu ý rằng, biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này là tăng tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ, đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm virus càng nhanh càng tốt. "Chúng ta phải giữ vững thông điệp này, không được bỏ cuộc", nhà virus học Lina nhấn mạnh.
Doanh Nghiệp & Tiếp Thị