MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến thể Omicron thử sức khỏe kinh tế Mỹ

11-01-2022 - 16:56 PM | Tài chính quốc tế

Biến thể Omicron thử sức khỏe kinh tế Mỹ

Việc số ca mắc biến thể Omicron tăng nhanh ở Mỹ đã khiến tiến trình phục hồi kinh tế vấp phải mối đe dọa mới mà giới hoạch định chính sách cũng khó kiểm soát, đó là nhân viên nghỉ bệnh.

Tình trạng nghỉ bệnh trên diện rộng vì Omicron đã làm giảm năng suất ở nhiều lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, khách sạn… Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty phân tích Moody’s Analytics (Mỹ), hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Mỹ trong quý I/2022 xuống gần 2% từ mức 5%.

Theo Bloomberg, dù chỉ là tác động tạm thời song sự gián đoạn sản xuất có nguy cơ làm chậm đà phục hồi vốn mong manh ở một số lĩnh vực và ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai của nhiều doanh nghiệp.

Ông Nick Bunker, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tìm kiếm việc làm Indeed (Mỹ), cho rằng khác với những đợt bùng dịch trước, sự xuất hiện của Omicron tạo ra "cú sốc lớn" đối với nền kinh tế và đặc biệt là thị trường lao động, với số ca mắc mới lên tới 1 triệu ca/ngày vào tuần trước.

Biến thể Omicron thử sức khỏe kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại cửa hàng ở bang Pennsylvania - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 10-1 kỳ vọng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và tỉ lệ lạm phát có thể ở mức vừa phải vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, IMF cảnh báo các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị cho sự bất ổn kinh tế tiềm tàng, đồng thời chỉ ra những rủi ro từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến và dịch Covid-19 bùng phát trở lại. IMF sẽ công bố dự báo kinh tế toàn cầu mới vào ngày 25-1.

Trước đó, FED thông báo có thể tăng lãi suất ngay trong tháng 3, sớm hơn nhiều tháng so với dự kiến và đã sẵn sàng thực hiện các bước chống lạm phát, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nếu cần thiết.

Các quan chức cấp cao của IMF nhận định việc FED tăng lãi suất nhanh hơn có thể làm lũng đoạn thị trường tài chính và siết chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu. Những diễn biến này có thể khiến nhu cầu và thương mại Mỹ chậm lại và đồng USD giảm giá tại các thị trường mới nổi.

IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương thông báo rõ ràng và nhất quán kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ, đồng thời khuyến cáo các quốc gia có mức nợ ngoại tệ cao nên tìm cách phòng ngừa rủi ro.

Theo Xuân Mai

Người lao động

Trở lên trên