Giới trẻ Trung Quốc dần rời xa thành phố lớn
Giới trẻ Trung Quốc dần rời xa thành phố lớn vì mức thu nhập được cải thiện ở các thành phố nhỏ, không áp lực và được gần gũi với gia đình.
- 22-04-2024Không như giới trẻ Trung Quốc đổ xô mua vàng tích trữ, người trẻ ở nền kinh tế hàng đầu châu Á ôm mộng giàu nhanh, đầu tư loại tài sản rủi ro để rồi nhận kết đắng
- 27-02-2024Một xu hướng kinh doanh mới rộ lên ở giới trẻ Trung Quốc, có thể kiếm được 300.000 VND/giờ chỉ bằng việc ngồi lắng nghe, khách hàng trải dài ở nhiều độ tuổi
- 23-02-2024Giới trẻ Trung Quốc tìm cách cải thiện EQ để tăng lợi thế tìm việc
Theo CNA , ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp, lựa chọn tìm việc ở các thành phố nhỏ hơn thay vì những nơi thường được ưa chuộng như trung tâm tài chính Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh.
Báo cáo nghiên cứu số liệu về sinh viên đại học từ các khóa 2018 đến 2022 của công ty tư vấn giáo dục Trung Quốc MyCOS chỉ ra rằng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ở các địa phương cấp huyện tăng từ 20% với khóa 2018 lên 25% với khóa 2022.
Đối với nhóm sinh viên tốt nghiệp các năm 2016 và 2017, báo cáo cho thấy gần 60% sinh viên quay về các thành phố nhỏ hơn để làm việc đã ở lại đó liên tục trong 5 năm. Trong khi đó, 40% quay trở lại các thành phố nhỏ này để làm việc sau "một thời gian thử đi làm ở nơi khác".
Thu nhập được cải thiện
Theo Thời báo Hoàn cầu , mức thu nhập tăng ở các thành phố nhỏ và sự hài lòng về công việc là một trong những yếu tố được cho là lý do của xu hướng này.
Báo cáo của MyCOS cho biết, mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên đại học làm việc ở các thành phố nhỏ đã tăng từ 4.640 nhân dân tệ (hơn 16 triệu đồng) vào năm 2018 lên 5.377 nhân dân tệ (hơn 18 triệu đồng) vào năm 2022.
Con số báo cáo của MyCOS đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội Trung Quốc, với xu hướng "mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường làm việc ở các thành phố nhỏ là 5.377 nhân dân tệ".
Tuy nhiên, không ít người để lại bình luận nghi vấn về con số này, tự hỏi thành phố nhỏ nào có mức lương hàng tháng như vậy.
Một bình luận thu hút hơn 2.300 lượt thích có nội dung: "Lương tháng thực tế ở các thành phố nhỏ là 2.000 tệ (7 triệu đồng), chỉ được nghỉ hai ngày mỗi tháng và không được đóng bảo hiểm xã hội".
Một cư dân mạng khác bình luận: "Ngoài các thành phố nhỏ ở đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Trường Giang, liệu những nơi khác có được như vậy không?"
Một người dùng Weibo khác viết: "Tại sao tôi lại cảm thấy mức lương ở thành phố nhỏ chỗ tôi không cao đến vậy... có thể mỗi người khác nhau nhưng các công ty mà bạn tôi làm việc cũng chỉ có mức lương trung bình là 3.500 nhân dân tệ (12 triệu đồng)".
Muốn rời xa áp lực
Dù mức thu nhập ở các thành phố nhỏ có thể còn gây tranh cãi, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến giới trẻ Trung Quốc tìm kiếm việc làm ngoài các thành phố lớn.
Trên thực tế, báo cáo của MyCOS cũng cho rằng xu hướng này là do các sinh viên tốt nghiệp muốn thoát khỏi những áp lực khi sinh sống làm việc ở các thành phố lớn, theo Sixth Tone .
Văn hóa làm việc "996" (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) của các thành phố lớn hầu như không tồn tại ở nhiều khu vực nhỏ hơn. Người lao động cũng không phải chịu áp lực về lương và cắt giảm nhân sự.
Báo cáo cho biết, các việc làm trong cơ quan nhà nước và ngành giáo dục đặc biệt có sức hút, chiếm tỷ lệ cao nhất sinh viên đại học được tuyển dụng ở các thành phố nhỏ. Ngành giáo dục chiếm 23,6%, trong khi tỷ lệ tuyển dụng trong cơ quan nhà nước là 14,9%.
Theo Sixth Tone , các chính sách mới được thiết kế để thu hút sinh viên tốt nghiệp trở về quê nhà cũng đóng một vai trò trong xu hướng này.
Chẳng hạn như, huyện Toại Xương ở tỉnh Chiết Giang cung cấp cho những người có bằng thạc sĩ khoản trợ cấp nhà ở 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) và trợ cấp sinh hoạt hàng năm 30.000 nhân dân tệ trong 5 năm nếu họ làm việc cho một nhà tuyển dụng địa phương.
Sống cho bản thân và gia đình
Guan Yinglu, 29 tuổi, đã bỏ công việc tại công ty vận chuyển hàng hải ở Thượng Hải, nơi cô phải làm việc cả ngày lẫn đêm, để trở về quê hương, thành phố Lư Châu miền trung Trung Quốc, nơi cô mở một tiệm bánh vào mùa xuân năm ngoái.
Mặc dù thu nhập giảm sút - chỉ còn khoảng một phần ba so với trước đây - Guan đã có được những trải nghiệm sống phong phú hơn và sức mua mạnh hơn vì đồng nhân dân tệ có giá trị hơn ở các thành phố nhỏ. Hiện tại, cô đã kết hôn, có một chú chó cưng và có thể kết thúc ngày làm việc bằng bữa tối do bố mẹ hoặc bố mẹ chồng chuẩn bị.
“Trước đây tôi đã không thể sống cho bản thân hoặc vì những người mình yêu thương. Tôi ghét điều đó” , Guan nói.
Bên cạnh đó, điều kiện sống ở các thành phố nhỏ hơn ở Trung Quốc cũng ngày càng được cải thiện. Những người trẻ quay trở lại quê hương dễ thấy được những trung tâm thương mại sang trọng, xe điện mới tràn ngập đường phố và các cửa hàng đông đúc người mua sắm. Trong khi giá nhà chỉ bằng một phần nhỏ so với các thành phố lớn.
Với nhiều thu nhập khả dụng hơn, người tiêu dùng không ngại chi tiêu cho bữa tối KFC hoặc những đồ hiệu đắt tiền. Một số người sắm xe Tesla vì Trung Quốc muốn hướng đến các vùng nông thôn để thúc đẩy doanh số bán xe điện đang giảm sút.
Theo Sohu , ông Diêu Kình Ba (Yáo Cận Bách), người sáng lập 58.com, trang web cung cấp thông tin mật miễn phí ở Trung Quốc, cho biết có tình trạng thừa và thiếu hụt nhân lực giữa các vùng miền. Đặc biệt, ở các thành phố hạng nhất mới như Trường Sa, Trùng Khánh hay Thành Đô vẫn còn nhiều cơ hội việc làm.
Ông nói: "Sinh viên tốt nghiệp không nên chỉ đặt mục tiêu vào các thành phố hạng nhất, mà các thành phố hạng nhất mới đang phát triển cũng đáng được quan tâm".
VTC News