Biết cách bảo vệ sức khỏe, nhiều tín đồ xê dịch tranh thủ… đi máy bay
Trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết và khoa học để chủ động sinh hoạt, làm việc hay đơn giản để những chuyến bay không còn là nỗi sợ hãi.
"Tôi quan sát thấy chất lượng dịch vụ trên máy bay không hề thay đổi tiêu chuẩn, dù các thao tác có chút điều chỉnh cho đảm bảo hơn. Đi bay đợt này không phải chen lấn, vội vã, chưa kể lại nhiều ưu đãi tốt", một hành khách cho biết.
Đi máy bay không chen lấn, vội vã
"Học sinh, sinh viên còn được trường học cho nghỉ dài ngày chống dịch, chứ với người đi làm, nghỉ hàng tuần liền là bất khả thi", chị Ngọc Hà, 35 tuổi, chuyên viên kinh doanh tại Hà Nội, cho biết trong lúc làm thủ tục check-in tại sân bay Nội Bài. Vì tính chất công việc nên ngay từ sau Tết, chị vẫn liên tục bay giữa hai miền Bắc – Nam.
Chị cho biết gia đình chị trước tết đã lên kế hoạch đi du lịch khai xuân nhưng sau đó đã hủy, dù đã đặt hết phòng nghỉ và vé máy bay. "Du lịch thì có thể hoãn, nhưng công việc thì đâu hoãn được. Nên tôi luôn theo dõi sát sao diễn biến dịch qua báo đài, và rửa tay liên tục, đeo khẩu trang đúng cách như Bộ Y tế khuyến nghị cho mình trong mỗi chuyến đi, thì thấy đến giờ mọi thứ vẫn hoàn toàn ổn. Có lẽ cuối tuần này tôi sẽ đặt lại phòng và vé máy bay cho cả nhà để thực hiện chuyến du lịch dang dở", chị Hà nói, rút ra kết luận rằng, "vấn đề không phải là đi hay không đi, mà là làm gì để bảo vệ sức khỏe lúc đi".
Trong khi đó, vẫn giữ nguyên kế hoạch du lịch đã định trước, anh Hải Nguyên (32 tuổi, quản lý marketing, Thái Nguyên) và bạn gái vừa trở về từ Phú Quốc sau chuyến đi nhân dịp Lễ Tình nhân 14/2.
Anh Nguyên nói: "Bây giờ đang là thời điểm tất cả các hãng hàng không đều ở trong trạng thái thận trọng cao độ trước dịch bệnh, nên các quy trình, thủ tục đều được giám sát chặt chẽ. Đồ dùng dụng cụ chung đều được diệt khuẩn tuyệt đối, nước rửa tay và khẩu trang đều được phát miễn phí ở mọi cửa ra, chưa kể các sân bay đều có máy kiểm tra thân nhiệt. Vậy nên tôi thấy đi máy bay vào giai đoạn này mới thực sự là an tâm nhất".
Hành khách có thể chủ động rửa tay tại rất nhiều điểm trong sân bay cũng như trên máy bay
Anh Nguyên cho biết thêm, ngược lại lo lắng chậm chuyến như giai đoạn cao điểm Tết vừa rồi, đi máy bay thời điểm này khá thoải mái và thuận tiện khi các sân bay không quá đông đúc, giảm hiện tượng ùn tắc. "Tôi quan sát thấy chất lượng dịch vụ trên máy bay không hề thay đổi tiêu chuẩn, dù các thao tác có chút điều chỉnh cho đảm bảo hơn. Đi bay đợt này không phải chen lấn, vội vã, chưa kể lại nhiều ưu đãi tốt, tôi và bạn gái rất hài lòng".
Anh vui vẻ kể bay đúng vào ngày Valentine đang triển khai chương trình ghép đôi của Bamboo Airways, nếu may mắn trúng giải thưởng là cặp vé bay quốc tế, anh sẽ tiếp tục đưa bạn gái đi du lịch chào hè luôn.
Chuyên gia nói gì về hành trình mùa dịch?
Bác sĩ David Powell - cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết virus không thể sống sót lâu trên ghế ngồi hay tay vịn trong khoang hành khách, trái với lo ngại về việc tiếp xúc với nhiều người và mầm bệnh có thể xuất hiện trong các không gian chật hẹp là nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Ông giải thích bầu không khí trong khoang hành khách các máy bay hiện đại là sự kết hợp giữa không khí mới và không khí lưu thông, do đó đảm bảo vô trùng 99,97% giống như trong phòng mổ. "Rủi ro lây nhiễm không đến từ bầu không khí trong khoang hành khách", bác sĩ Powell nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, bàn tay mới là nơi giúp virus lây lan hiệu quả nhất. "Cách tốt nhất là rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào mặt. Nếu ho hoặc hắt hơi, hãy che mặt bằng khăn giấy rồi rửa tay sạch sẽ".
Về phía các hãng hàng không và cảng vụ, các biện pháp để hạn chế tối đa sự lây lan của virus đã nhanh chóng được triển khai, từ việc bố trí các máy quét kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay, chuẩn bị sẵn sàng nước rửa tay trên khoang máy bay, phát khẩu trang cho hành khách, thay đổi suất ăn… để hạn chế tối đa các con đường có thể lây nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, Cục Hàng không cũng đưa ra các bộ quy tắc, quy định chặt chẽ, với sự giám sát thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo tất cả các hành khách đều tuân thủ, cho thấy công tác chuẩn bị cẩn thận và mức độ đảm bảo an toàn, vệ sinh hàng không luôn được duy trì cao nhất.
Quay trở lại thời điểm những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra ở châu Á và lan rộng, một kịch bản quen thuộc đã diễn ra: hàng chục ngàn chuyến bay bị huỷ bỏ, người dân được khuyến cáo không nên tụ tập ở nơi đông người và thường xuyên đeo khẩu trang. Những kinh nghiệm khi đó trở thành bài học quan trọng, giúp thế giới nói chung và ngành hàng không nói riêng ứng phó nhanh chóng, hiệu quả hơn với các dịch bệnh lớn về sau.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (Đức) đã chỉ ra bài học lớn nhất để kiểm soát và dập dịch thành công là thông tin kịp thời để tất cả mọi người cùng hiểu và cùng phòng chống dịch bệnh.
Rõ ràng, đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hành trình hay sống trong lo sợ không phải là "lá chắn" ngừa bệnh. Trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết và khoa học để hiểu bản thân cần làm gì để chủ động sinh hoạt, làm việc hay đơn giản để những chuyến bay không còn là nỗi sợ hãi mới là hành động thiết thực, chung tay cùng cộng đồng vượt qua dịch bệnh.