MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biểu giá bán lẻ điện mới ít tác động đến hộ dùng điện dưới 711 kWh/tháng

13-10-2022 - 07:05 AM | Thị trường

Với phương án 5 bậc, chỉ có 2% hộ dùng điện có mức sử dụng trên 711kWh phải trả tiền điện tăng thêm, còn các hộ có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng đều có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 của Bộ Công Thương, liên quan đến Đề án Biểu giá bán lẻ điện mới đang được Bộ Công Thương công khai lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia và người dân... ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, có nhiều yếu tố cần thiết để cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay.

Cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện là cần thiết

Yếu tố đầu tiên theo ông Trần Tuệ Quang, cải tiến Biểu giá điện để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”.

Lý do thứ hai, để phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân và khách hàng, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, làm rõ bối cảnh, sự phù hợp với tình hình thực tế của biểu giá bán lẻ điện điện tiêu dùng lũy tiến để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bảo đảm phù hợp với thực tế mức tiêu dùng điện của người dân. “Vì vậy, việc nghiên cứu, xem xét ghép các bậc thang để đảm bảo phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là cần thiết. Đảm bảo sự phù hợp với quy định tại các Thông tư về lưới điện truyền tải, phân phối”, ông Quang nêu rõ.

Biểu giá bán lẻ điện mới ít tác động đến hộ dùng điện dưới 711 kWh/tháng - Ảnh 1.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, trên cơ sở đánh giá tác động của các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã đề xuất các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan.

Trong đó, bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" để áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho sản xuất, trên cơ sở tách ra từ nhóm khách hàng kinh doanh. Cùng với đó, gộp giá bán điện theo các cấp điện áp để phù hợp với thực tế phát triển lưới điện như các cấp điện áp gồm cao áp là cấp điện áp trên 35 kV (bao gồm cấp điện áp từ trên 35 kV đến dưới 220 kV và cấp điện áp từ 220 kV trở lên), trung áp là cấp điện áp từ 1 kV đến 35 kV, hạ áp là cấp điện áp dưới 01 kV, được áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch.

Đề án Biểu giá điện mới cũng bổ sung cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp điện áp 220 kV trở lên, để phù hợp với thực tế phát triển khách hàng. Đồng thời cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Phương án 5 bậc hoặc Phương án 4 bậc.

Làm rõ về lộ trình xây dựng kế hoạch cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, Bộ Công Thương sau khi xem xét các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo đề xuất tại Đề án đã lưu ý: Cần được xem xét một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tác động, có lộ trình cụ thể và trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan, của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

“Sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan, Bộ, ngành,… Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg và thực hiện đăng lên Cổng thông tin điện tử, website để lấy ý kiến rộng rãi người dân và khách hàng sử dụng điện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Trần Tuệ Quang cho hay.

Hạn chế biến động tiền điện những tháng đổi mùa

Thông tin thêm về cơ cấu biểu giá điện đang Bộ Công Thương lấy ý kiến, ông Quang cho biết, Bộ này cũng đề nghị xem xét phương án giá điện cho sinh hoạt theo các mục tiêu đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đảm bảo cho EVN thực hiện giá bán lẻ điện bình quân được duyệt; đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội.

“Cơ cấu biểu giá điện mới sẽ giúp khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa; định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc, hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện thấp và trung bình”, ông Trần Tuệ Quang thông tin.

Biểu giá bán lẻ điện mới ít tác động đến hộ dùng điện dưới 711 kWh/tháng - Ảnh 2.

Theo dự thảo Biểu giá bán lẻ điện mới, các hộ sử dụng điện thấp tiền điện sẽ không đổi hoặc giảm hơn mỗi tháng.

Đánh giá về 2 phương án cần xem xét trong Dự thảo Biểu giá bán điện mới tại cuộc họp báo, ông Quang cho rằng, cả 2 Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo đề xuất của Bộ Công Thương đều đảm bảo giảm tối thiểu tác động tới các hộ có mức sử dụng thấp, trung bình.

Trong đó, đối với Phương án 5 bậc, tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm; tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng dưới 711 kWh/tháng đều có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm.

Đối với Phương án Biểu giá điện 4 bậc sẽ tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. “Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Các hộ còn lại có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm”, ông Trần Tuệ Quang phân tích./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên