MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biểu giá điện sinh hoạt mới: Ai sẽ được hưởng lợi?

Biểu giá điện sinh hoạt mới: Ai sẽ được hưởng lợi?

Trong 2 phương án sửa đổi Biểu giá bán lẻ điện về cơ bản không tác động lớn đến đa số hộ tiêu thụ ít và trung bình, tuy nhiên, mức giá điện ở bậc cao cần được xem xét kỹ.

Bộ Công Thương mới có Đề án về phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện gửi các Bộ, ngành, địa phương và người dân lấy ý kiến. Trong đó đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành giảm từ 6 bậc xuống 4 bậc và 5 bậc.

Tiền điện bậc cao nhất 3.356 đồng/kWh

Trong phương án biểu giá điện 5 bậc, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 -100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Đồng thời, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh. Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp. Ở phương án này, mức giá điện thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và mức giá cao nhất là 3.356 đồng/kWh.

Biểu giá điện sinh hoạt mới: Ai sẽ được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Biểu giá điện 5 bậc với mức giá điện thấp nhất là sẽ 1.678 đồng/kWh và mức giá cao nhất là 3.356 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Đối với phương án biểu giá điện 4 bậc, bậc 1 áp dụng cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2 áp dụng cho kWh từ 101-300; Bậc 4 áp dụng từ 301-700 kWh và bậc 5 áp dụng từ 701 kWh trở lên. Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ), ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi.

Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 100-200 kWh; 301-400 kWh và trên 700kWh. Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp. Mức giá cao nhất cho phương án này là 3.076 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện 4 bậc sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100-300 kWh. Tuy nhiên sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. Mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25% và có tác dụng thấp hơn trong khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Biểu giá điện sinh hoạt mới: Ai sẽ được hưởng lợi? - Ảnh 2.

Mức giá cao nhất cho phương án giá điện 4 bậc là 3.076 đồng/kWh.

Ai sẽ được hưởng lợi?

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, với đề xuất 2 phương án cùng rút gọn các bậc so với hiện nay sẽ làm tăng thêm khoảng cách các mức tiêu thụ điện giữa các bậc, đồng thời khoảng cách mức tiêu thụ điện của từng bậc nới rộng. Trong đó, phương án biểu giá điện 4 bậc sẽ có lợi hơn cho đa số các hộ gia đình có mức độ tiêu thụ điện trung bình. Ở phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, những hộ sử dụng trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả nhiều tiền điện hơn.

Theo đánh giá của ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, cả 2 phương án Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đều khiến đa số người dân ít bị tác động, thậm chí nhiều trường hợp còn có lợi so với biểu giá hiện hành khi sử dụng ít điện.

Trong đó, phương án biểu giá 5 bậc đáp ứng được tiêu chí an sinh xã hội, bởi những người sử dụng ít điện, khả năng chi trả thấp được hưởng lợi khi đa số người dân sử dụng điện sinh hoạt trong khoảng 200 - 400kWh/tháng. Các hộ sử dụng điện nhiều từ 701kWh/tháng trở lên phải chi trả nhiều hơn so với biểu giá điện nhằm tác động đến hành vi tiêu dùng theo hướng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Hơn nữa, những hộ sử dụng từ 701kWh/tháng trở lên thường thuộc diện thu nhập ở mức trung cao, có khả năng chi trả.

Biểu giá điện sinh hoạt mới: Ai sẽ được hưởng lợi? - Ảnh 3.

Ở phương án 5 bậc, những hộ gia đình sử dụng ít điện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Nhận xét về đề xuất biểu giá bán lẻ điện mới của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nhìn chung đề xuất biểu giá điện mới cải tiến đơn giản, dễ hiểu hơn biểu giá hiện hành. Điều quan trọng là các phương án phù hợp hơn với cơ cấu tiêu dùng điện của đại bộ phận người tiêu dùng trong xã hội. Tác động mạnh hơn đến việc khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm hiệu quả.

Tuy nhiên, khi phân tích cụ thể từng phương án, ông Thỏa lưu ý ở phương án biểu giá điện 4 bậc, số hộ dùng điện bị tác động nhiều hơn, trong khi phương án biểu giá 5 bậc lại có tác động ít hơn khi tiền điện sẽ được giữ nguyên hoặc giảm đối với đại bộ phận người dùng điện trong xã hội, chỉ có số ít hộ dùng điện nhiều sẽ bị tác động.

Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần xem lại cách tính mức giá chênh lệch giữa các bậc nhất là ở các bậc cao. Cần tính đến khả năng gây khó khăn cho nhiều trường hợp những gia đình có nhà cho thuê với 1 hợp đồng điện cho nhiều nhân khẩu sử dụng. Cần so sánh mức sử dụng điện bình quân giữa các vùng miền, khu vực có khác nhau, cụ thể như giữa thành phố, khu đô thị mật độ dân cư đông với nông thôn và miền núi hay vùng sâu, vùng xa…/.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên