MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Big Tech gặp hạn lớn

16-11-2022 - 08:23 AM | Tài chính quốc tế

Thung lũng Silicon chứng kiến hàng loạt đợt sa thải nhân sự khủng - tổng cộng 20.000 người trong tuần qua và lên tới hơn 120.000 người trong năm 2022

Cổ phiếu của Amazon giảm liền 2% sau khi báo The New York Times đưa tin đại gia thương mại điện tử này có kế hoạch cho nghỉ việc gần 10.000 nhân viên bắt đầu từ tuần này. Nếu đúng vậy, đây sẽ là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất lịch sử công ty, chiếm gần 1% lực lượng lao động toàn cầu của Amazon.

Theo kênh CNBC , thông thường mùa mua sắm cuối năm rất quan trọng và cũng là dịp Amazon tăng tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền Giám đốc điều hành (CEO) của Amazon từ tháng 7-2021, ông Andy Jassy đã chuyển sang xu hướng cắt giảm chi phí.

Những tháng gần đây, Amazon liên tiếp cho ngưng hoạt động các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, giao hàng bằng robot, đóng cửa nhiều trung tâm hỗ trợ khách hàng, hủy hoặc hoãn xây dựng các nhà kho mới...

Trước khi có tin về Amazon, Thung lũng Silicon đã chứng kiến hàng loạt đợt sa thải nhân sự "khủng" từ các công ty lớn có, nhỏ có - tổng cộng 20.000 người trong tuần qua và lên tới hơn 120.000 người trong năm 2022, theo số liệu của công cụ theo dõi Layoffs.fyi.

Trong đó, Meta (công ty mẹ của Facebook) cho nghỉ việc hơn 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người, còn Twitter sau khi về tay tỉ phú Elon Musk cũng có phân nửa nhân sự ra đi, tức khoảng 7.500 người.

Ngoài những tên tuổi lừng lẫy này còn có nền tảng thanh toán Stripe, công ty phần mềm Salesforce và một loạt công ty nhỏ hơn có chung số phận sa thải nhân viên với tỉ lệ 2 con số.

Big Tech gặp hạn lớn - Ảnh 1.

Công nhân phân loại hàng hóa ở cơ sở của Amazon tại Ahmedabad - Ấn Độ Ảnh: REUTERS

Trong 10 năm qua, theo báo The Washington Post , các "Big Tech" (đại gia công nghệ) đã thống trị kinh tế Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết đến cuối năm 2020, ngành công nghệ chiếm khoảng 10,2% GDP của Mỹ và trong số những công ty "dường như tăng trưởng vô hạn", Apple, Amazon, Google và Microsoft đều được định giá trên ngàn tỉ USD, trở thành những doanh nghiệp có giá trị nhất lịch sử hiện đại.

Họ cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp như Uber, WeWork, Airbnb, Stripe..., từ đó đẩy lương và chi phí sinh hoạt trong ngành lên cao.

Nhiều năm liền, các kỹ sư lành nghề nhảy việc qua lại giữa các công ty để có mức lương cao hơn. Ngay cả kỹ sư mới vào nghề, không có gì lạ khi họ nhận lương 200.000 USD/năm chưa tính thưởng tại các "Big Tech". Đó là chưa tính hàng loạt phúc lợi như ăn uống miễn phí, chi phí mát-xa, dắt chó đi dạo, giặt ủi tại chỗ, nghỉ phép thoải mái...

Nhưng thời thế đã khác. Kênh CNBC đưa tin doanh thu quý III của Amazon, công bố hồi tháng trước, rất đáng thất vọng, khiến cổ phiếu công ty rớt giá hơn 13% và cũng lần đầu tiên đánh dấu giá trị vốn hóa thị trường của Amazon giảm xuống dưới 1.000 tỉ USD kể từ tháng 4-2020.

Tương tự, cổ phiếu của Facebook giảm hơn 20% sau báo cáo doanh thu quý III, còn tốc độ tăng trưởng doanh thu của Microsoft và Google đều chậm lại.

Từ chỗ hưởng lợi nhờ lãi suất thấp trong một thập kỷ trước đó, các công ty công nghệ Mỹ càng ăn nên làm ra trong đại dịch khi mà người ta dành nhiều thời gian cho trực tuyến hơn, bao gồm mua sắm trên mạng. Nắm bắt cơ hội ngàn năm có một, những công ty này đổ hàng tỉ USD vào tuyển dụng nhân viên và xây các trung tâm dữ liệu mới.

Nhưng giờ đây, cùng với tình hình dịch COVID-19 dần bị khống chế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, các quỹ đầu tư liền thắt chặt hầu bao, buộc các công ty - bao gồm "Big Tech" - phải cắt giảm chi phí để cứu vãn lợi nhuận.

Phát biểu với nhân viên sau thông báo cắt giảm nhân sự quy mô lớn lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm của công ty, CEO của Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận đã tính sai về cú chuyển mình sang thương mại điện tử kể trên.

Về phần mình, ông chủ mới Elon Musk cảnh báo Twitter có khả năng phá sản nếu không tìm được nguồn doanh thu mới. Cuối tuần trước, tỉ phú này không ngần ngại cắt luôn các bữa ăn miễn phí ở trụ sở Twitter với lý do tốn tới 400 USD/nhân viên, tức khoảng 13 triệu USD/năm cho khoản này - theo báo New York Post.

Theo Hải Ngọc

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên