"BIG4 kinh tế" miền Bắc: Điểm chuẩn cao ngất ngưởng, có ngành thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn không trúng tuyển
Điểm chung của 4 trường đại học này là đầu vào cao ngất ngưởng. Nếu không tự tin đạt 25 điểm trở lên, thí sinh chớ dại nộp hồ sơ.
- 22-07-2023Điểm chuẩn các ngành khối A - A1 - C sẽ giảm, khối B - D tăng cao
- 21-07-2023Loạt trường đại học top đầu phía Bắc dự báo điểm chuẩn giảm 0,5 - 1,5
- 21-07-2023Biến động điểm chuẩn của 4 ‘ông lớn kinh tế’ 3 năm gần đây: Một ngành hot từng tăng đến 4 điểm/năm, nhiều ngành 9,5 điểm/môn mới đỗ
"BIG 4 kinh tế" miền Bắc là cụm từ dùng để chỉ 4 trường đại học đào tạo về kinh tế tốt nhất tốt nhất tại khu vực phía Bắc bao gồm: Đại học Kinh tế quốc dân (NEU); Đại học Ngoại thương (FTU); Học viện Tài chính (AOF); Học viện Ngân hàng (BA).
Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, 4 ngôi trường này đã chứng minh được vị thế của mình trong việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Sinh viên tại các ngôi trường này không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn vô cùng năng nổ. Cũng chính vì lẽ đó, vào được những ngôi trường này là thử thách không nhỏ đối với các bạn học sinh.
1. Đại học Kinh tế quốc dân
Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập vào năm 1956. Đây là trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các trường đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh ở Việt Nam.
Năm 2022, điểm trúng tuyển vào các ngành của trường Đại học Kinh tế Quốc dân dao động ở mức 26,1-28,6 điểm. Trong đó, một số ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất của "Stanford Phố Vọng" là: Quan hệ công chúng (28,6 điểm), Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng (28,2); Kiểm toán (28,15), Thương mại điện tử (28,1 điểm), Marketing (28 điểm), Kinh doanh Quốc tế (28 điểm)...
Có thể thấy, nếu muốn vào ngành Quan hệ công chúng của NEU, các bạn học sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn không thể trúng tuyển. Tương tự đối với ngành Thương mại điện tử, Marketing, Kinh doanh Quốc tế, thí sinh phải đạt hơn 9,3 điểm/môn mới có khả năng đỗ vào "Stanford Phố vọng".
Ngược lại, những ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất (đều cùng mức 26,1 điểm) của NEU xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 là: Kinh doanh nông nghiệp, Kinh tế nông nghiệp, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản lý công và chính sách...
Về tỷ lệ sinh viên NEU tốt nghiệp ra trường có việc làm theo thống kê mới nhất dao động trong khoảng 84,24% - 97,73%. Trong đó, tỷ lệ lớn nhất là các ngành: Khoa học máy tính (97,73%), tiếp theo đó là Quản trị nhân lực (94,59%), Marketing (94,16%), Quản trị du lịch lữ hành (93,06%), Quản trị khách sạn (92,86%)...
2. Đại học Ngoại thương
Đại học Ngoại thương (FTU) được thành lập vào năm 1960. Trải qua nhiều năm đào tạo, FTU trở thành một trong những trường đứng đầu cả nước về khối ngành kinh tế, với thế mạnh thương hiệu là đào tạo ngành kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế và quản trị kinh doanh.
Tính riêng năm 2022, điểm chuẩn để trúng tuyển vào các chuyên ngành đào tạo của trường theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động 27,5-28,4 điểm (thang 30 điểm). Trong đó, cao nhất là nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế (28,4 điểm), còn thấp nhất là nhóm ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng (27,8 điểm).
Đối với các ngành xét thang 40 điểm, điểm chuẩn dao động 35-36,6 điểm. Cao nhất là ngành Ngôn ngữ Trung (36,60 điểm). Tiếp đến ngành Ngôn ngữ Anh (36,40 điểm); Ngôn ngữ Nhật (36,00 điểm) và cuối cùng là Ngôn ngữ Pháp (36,60 điểm).
Theo "Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên" năm tốt nghiệp 2021, tỷ lệ sinh viên FTU ra trường có việc làm dao động ở ngưỡng rất cao: 95,65% - 99,29%. Theo đó, tỷ lệ cao nhất thuộc về ngành Kinh doanh Quốc tế (99,29%), tiếp đến là Ngôn ngữ Trung (98,15%). Còn các ngành như: Kế toán Kiểm toán, Kinh tế, Kinh tế Quốc tế, Luật... tỷ lệ việc làm dao động trong khoảng 97% - 98%.
3. Học viện Tài chính
Học viện Tài chính hiện nay là một trong những trường đại học công lập top đầu thuộc khối kinh tế tại Việt Nam, có thế mạnh trong việc đào tạo các ngành Tài chính - Kinh tế.
Về điểm chuẩn, với phương thức xét dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường chia hai nhóm tính theo thang 30 và 40 điểm (môn Tiếng Anh nhân hệ số 2). Năm 2022, trong các ngành tính theo thang điểm 30, ngành Tài chính - Ngân hàng 3 lấy thấp nhất là 25,45 điểm và Kế toán cao nhất (26,2 điểm), tiếp đến là Quản trị kinh doanh (26,15 điểm).
Các ngành tính theo thang điểm 40, Kế toán doanh nghiệp có điểm trúng tuyển thấp nhất (32,95 điểm), Ngôn ngữ Anh cao nhất (34,32 điểm).
Còn về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, theo thống kê từ sinh viên Khóa 52 và Khóa 53, trên 98% sinh viên trường tìm kiếm được việc làm sau tốt nghiệp.
4. Học viện Ngân hàng
Học viện Ngân hàng được thành lập từ năm 1961. Đây là trường đại học công lập đa ngành trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm chuẩn Học viện Ngân hàng năm 2022 cao nhất là 28,05 và thấp nhất là 24 điểm. Theo đó, ngành lấy điểm cao nhất Luật Kinh tế là 28,05 điểm, cao hơn năm 2021 0,5 điểm. Hai ngành học lấy điểm chuẩn thấp nhất là ngành Kế Toán (liên kết quốc tế) và Quản trị kinh doanh (liên kết quốc tế) với 24 điểm.
Nhiều ngành của Học viện Ngân hàng có mức điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên như Kinh doanh quốc tế (26,5 điểm), Tài chính chương trình chất lượng cao (26,1 điểm), Hệ thống thông tin quản lý (26,35 điểm), Công nghệ thông tin (26,2 điểm)...
Tỷ lệ trung bình sinh viên Học viện Ngân hàng ra trường có việc làm theo thống kê mới đây nhất là 92,44%. Trong đó, ngành Tài chính - Ngân hàng có tỷ lệ cao nhất (93,56%), đứng thứ hai là ngành Kế toán (93,41%). Ngành Hệ thống thông tin quản lý nằm "chót bảng" với 90,43%.
Tổng hợp
Phụ nữ số