Bill Gates đã trả 30,8 triệu đô la cho cuốn sách này cách đây 27 năm, ông khẳng định tới hôm nay vẫn cực hữu ích
Thông qua việc hiểu lý do Gates mua cuốn tài liệu, chúng ta có thể học được nhiều điều về tầm quan trọng của việc được truyền cảm hứng từ những “thần tượng” của mỗi người.
- 23-11-2021Bill Gates bất ngờ thả muỗi vào giữa hội nghị cho chúng đốt khán giả: Lý do khiến nhiều người gật gù
- 22-11-20216 bộ óc kinh doanh hàng đầu thế giới, trong đó có Bill Gates, Elon Musk học được từ Steve Jobs những kỹ năng đỉnh cao nào?
- 21-11-2021Elon Musk, Jeff Bezos, Bill Gates, Warren Buffet có một điểm chung này khi còn trẻ
Bill Gates không phải là một người tiêu tiền kiểu phù phiếm. Ông (cùng với Warren Buffett và một số tỷ phú khác) đã hứa sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện, lái một chiếc Tesla (khá khiêm tốn, nếu xét đến những chiếc xe đắt tiền có thể mua được), không thích mua quần áo đắt tiền và có thể được bắt gặp đang lặng lẽ xếp hàng chờ một chiếc bánh mì kẹp thịt tại cùng một cửa hàng trong nhiều năm.
Bất chấp tất cả những điều đó, vào năm 1994, ngay trước khi lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới, Gates đã không thể cưỡng lại việc vung tiền mua cuốn "Codex Leicester" của Leonardo da Vinci với giá 30,8 triệu đô la, và khiến nó trở thành một trong những cuốn sách – tài liệu đắt nhất từng được bán. Cuốn tài liệu dài 72 trang, bao gồm các bản phác thảo và ý tưởng của Leonardo về các chủ đề như thiên văn học, cơ học, thực vật học, toán học và kiến trúc, được viết từ năm 1506 đến năm 1510.
Vào năm 1994, Gates đã "vung tiền" mua cuốn "Codex Leicester" của Leonardo da Vinci với giá 30,8 triệu đô la
Thông qua việc hiểu lý do Gates mua cuốn tài liệu, chúng ta có thể học được nhiều điều về tầm quan trọng của việc được truyền cảm hứng từ những "thần tượng" của mỗi người.
1. Gates bị thu hút bởi lối suy nghĩ của Leonardo
Người đồng sáng lập Microsoft đã đưa tiểu sử về Leonardo của Walter Isaacson vào danh sách những cuốn sách mùa hè phải đọc năm 2018 của mình. Gates viết trong blog của mình: "Khi bạn đọc hết tất cả những khả năng và cả một số thất bại của Leonardo, bạn sẽ nhận ra rằng đặc điểm nổi bật hơn cả ở ông chính là sự tò mò và luôn thắc mắc."
"Khi ông ấy muốn hiểu điều gì đó - cho dù đó là dòng máu chảy qua tim hay hình dạng của lưỡi chim gõ kiến - ông ấy sẽ quan sát kỹ nó, ghi chép lại những suy nghĩ của mình và sau đó cố gắng tìm ra tất cả", Gates nói thêm.
Theo Bill Gates, đặt trong thế giới ngày nay, cách suy nghĩ của Leonardo là một "nghệ thuật đã mất".
"Mặc dù vậy, trong thời đại của Wikipedia và video YouTube miễn phí, việc thỏa mãn trí tò mò của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thật trớ trêu khi chúng ta được nhắc nhở về những điều kỳ diệu của cuộc sống hiện đại bởi một người đàn ông sống cách đây 500 năm", Gates viết.
2. Gates cảm thấy sự tương đồng với Leonardo
Mặc dù Gates chưa bao giờ tạo ra bất cứ thứ gì hùng vĩ về mặt nghệ thuật như Mona Lisa hay Last Supper, nhưng ông và Leonardo giống nhau về nhiều mặt.
Nhiều dự đoán về tương lai vào năm 1999 của Gates đã trở thành sự thật một cách đáng kinh ngạc. Ông đã viết trong cuốn sách của mình, "Kinh doanh @ tốc độ của suy nghĩ", "Mọi người sẽ mang theo các thiết bị nhỏ cho phép họ liên tục giữ liên lạc và kinh doanh điện tử mọi lúc mọi nơi. Họ sẽ có thể kiểm tra tin tức, xem các chuyến bay họ đã đặt, lấy thông tin từ thị trường tài chính và thực hiện bất kỳ điều gì khác trên các thiết bị này".
Tương tự, Leonardo cũng rất đi trước thời đại. Chẳng hạn, trong tập "Codex Leicester" có bao gồm các hình vẽ và lý thuyết về cách máu chảy qua tim, nhiều trong số đó đã được các nhà nghiên cứu khoa học và y học xác minh chỉ vài năm trước.
Và giống như Leonardo, Gates luôn khao khát học hỏi và biến những ý tưởng tiến bộ và vô cùng tham vọng thành hiện thực. Một trong số đó là xóa sổ 4 căn bệnh vào năm 2030. "Tôi cảm thấy lạc quan về tương lai vì tôi biết rằng những tiến bộ trong kiến thức nhân loại đã cải thiện cuộc sống cho hàng tỷ người và tôi tin tưởng rằng chúng sẽ tiếp tục như vậy", Gates chia sẻ trong tờ Time.
3. Gates muốn chia sẻ tình thần luôn thắc mắc, hay tò mò của Leonardo với thế giới
Khi có một thần tượng, hoặc vĩ đại hơn là một người hùng mà chúng ta ngưỡng mộ, chúng ta sẽ cảm thấy mình cần phải chia sẻ lý do mà chúng ta được truyền cảm hứng từ họ với mọi người.
Cũng như vậy, vào năm 2018, Gates đã công bố một dự án mà ông thực hiện có tên là "Codescope", một màn hình cảm ứng tương tác cho phép một người khám phá "Codex Leicester". Đó là cách Gates lựa chọn để khuyến khích những người khác tìm hiểu về lịch sử những ghi chép của Leonardo, xem từng trang trong bản gốc của ông, nhận bản dịch và thậm chí xem các phiên bản hoạt hình của các bức vẽ của ông.
"Vì bạn không thể chạm vào chính tập Codex - nó được bảo quản sau lớp kính - ‘Codescope’ là lựa chọn tốt nhất để lật qua các trang viết mà một người đàn ông vĩ đại đã viết trên đó," Gates viết trong một bài đăng thông báo về dự án.
Là một phần của lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo, "Codescope" (và "Codex Leicester") đã có mặt ở một số bảo tàng tại châu Âu (từ tháng 10 năm 2018 đến ngày 20 tháng 1 năm 2019) và công chúng có thể trực tiếp trải nghiệm.
"Codescope", một màn hình cảm ứng tương tác cho phép một người khám phá "Codex Leicester"
Những thần tượng, người hùng truyền cảm hứng cho chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình
"Codex Leicester" được gọi là "một minh họa đặc biệt về mối liên hệ giữa nghệ thuật và khoa học." Trên hết, đây là điều Gates trân trọng về Leonardo, và nó chắc chắn đã truyền cảm hứng để ông trở thành nhà phát minh vĩ đại như ngày nay.
Tất cả chúng ta đều có những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng đôi khi thiếu động lực, hy vọng và trí tuệ để đạt được chúng. Những người hùng truyền cảm hứng như Leonardo thúc đẩy chúng ta áp dụng những thói quen và lối suy nghĩ đã biến họ trở thành huyền thoại.
Gates đã nuôi dưỡng sự tương đồng bền chặt với người hùng của mình, người được gọi là "một trong những bộ óc sáng tạo nhất từ trước đến nay" và điều đó đã thúc đẩy ông tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của mình.
Heidi Grant Halvorson, một nhà tâm lý học xã hội và là phó giám đốc Trung tâm Khoa học Động lực (Motivation Science Center) của Đại học Columbia, đã trích dẫn một thử nghiệm trong cuốn sách của cô ấy, "Succeed: How We Can Reach Our Goals", trong đó một số sinh viên đại học được yêu cầu đọc tiểu sử về những người hùng truyền cảm hứng vĩ đại nhất của họ (chẳng hạn như một nhà khoa học đoạt giải Nobel). Kết quả cho thấy, những người đọc tiểu sử cho thấy động lực học tập cao hơn và có kết quả học tập tốt hơn so với những người không đọc.
Người ta nói rằng không có cái gọi là ám ảnh lành mạnh, nhưng những anh hùng truyền cảm hứng cho chúng ta thì lại là ngoại lệ.
Tác giả của bài viết là Tom Popomaronis, một chuyên gia thương mại và là người gốc Baltimore. Anh là Giám đốc Cấp cao về Đổi mới Sản phẩm của Tập đoàn Hawkins. Anh đã được giới thiệu trên Forbes, Fast Company và The Washington Post. Năm 2014, anh được Tạp chí Baltimore Business Journal vinh danh là một trong những nhà lãnh đạo tài năng trong danh sách "40 Under 40".
Doanh nghiệp và tiếp thị