MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ call margin chấn động phố Wall: Đánh "gấp thếp" kèm đòn bẩy cao để biến 200 triệu USD thành 100 tỷ USD

08-04-2021 - 14:38 PM | Tài chính quốc tế

Vụ call margin chấn động phố Wall: Đánh "gấp thếp" kèm đòn bẩy cao để biến 200 triệu USD thành 100 tỷ USD

Với 20 tỷ USD tài sản ròng và danh mục đầu tư trị giá gần 100 tỷ USD nhưng Hwang đã không thể xoay được 300 triệu USD để rót vào Viacom. Tất cả tài sản của Hwang đã được đem đi ký quỹ.

Sự kỳ diệu của margin

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, margin – dùng tiền đi vay để mua cổ phiếu – là khái niệm không có gì xa lạ. Điều đặc biệt của margin là nếu như giá cổ phiếu tăng, tỷ lệ đòn bẩy của bạn sẽ tự động giảm xuống.

Ví dụ, nếu như bạn có 15 USD và vay thêm 85 USD từ công ty môi giới để chi tổng cộng 100 USD mua cổ phiếu, tỷ lệ đòn bẩy là 85%. Nếu sau đó cổ phiếu tăng giá lên 200 USD, tỷ lệ tự động giảm xuống một nửa còn 42,5%, bởi bạn vẫn nợ môi giới 85 USD nhưng giờ đã có trong tay 200 USD. Tiếp theo, nếu giá có giảm 25%, xuống còn 150 USD thì bạn vẫn ổn: bạn vẫn lãi và môi giới vẫn có số tiền ký quỹ đủ lớn cho khoản vay của bạn.

Tuần trước, vụ margin call của Archegos Capital Management, 1 quỹ quản lý tài sản dạng family office do Bill Hwang lập ra, đã gây xôn xao dư luận. Archegos đã vay margin ở mức cao nhất có thể từ hơn chục ngân hàng trên phố Wall để mua một loạt các cổ phiếu công nghệ và truyền thông. Ban đầu những cổ phiếu này đã tăng giá rất mạnh nhưng sau đó thì lại lao dốc không phanh.

Một ví dụ là cổ phiếu của tập đoàn truyền thông Mỹ ViacomCBS. 1 năm trước, giá của nó chỉ là 12,43 USD nhưng đến ngày 22/3 đã lên đến 100,34 USD/cổ. Cổ phiếu Baidu cũng tăng từ 97,2 USD ở thời điểm 1 năm trước lên 339,91 USD vào tháng 2 vừa qua.

Tuần trước Bloomberg đưa tin Archegos bắt đầu với 200 triệu USD vào năm 2013 nhưng cách đây vài tuần, ở đỉnh cao, khối tài sản đó đã tăng lên mức gần 20 tỷ USD, mà phần lớn đà tăng chỉ diễn ra trong 1-2 năm trở lại đây. Ở đây công thức đòn bẩy đã lộ diện: bạn mua 7 tỷ USD cổ phiếu chỉ với 1 tỷ USD tiền tự có, còn lại 6 tỷ USD là đi vay nhưng số cổ phiếu này đã tăng giá gấp 4 lần chỉ trong 1 năm và giờ 22 tỷ USD là của bạn.

Điều khó tin trong vụ của Bill Hwang là anh ta đã sử dụng đòn bẩy rất lớn để đặt cược vào những cổ phiếu có mức độ rủi ro quá cao. Ban đầu mọi chuyện diễn ra hoàn hảo, giúp Hwang trở nên giàu có trong 1-2 năm và Hwang lại mang tất cả số tiền lời kiếm được đi gia tăng các cú đặt cược sử dụng đòn bẩy trước đó.

Hôm 26/3, cổ phiếu Viacom rớt từ đỉnh 100,34 USD (mới chỉ được lập hôm 22/3) xuống còn 48,23 USD. Nhưng mức giá đó vẫn cao hơn so với hồi tháng 1. Nếu Hwang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 85% trong tháng 1 và không tăng đặt cược thì anh ta vẫn không bị margin call. Các ngân hàng môi giới sẽ không phải bán ra cổ phiếu. Hwang vẫn là tỷ phú USD và các ngân hàng thu được mức phí béo bở mà không hề bị lỗ.

Nhưng rõ ràng là sự thật không phải vậy. Hwang tiếp tục đi vay nhiều hơn nữa, và tệ hơn dường như lý do khiến các cổ phiếu trong danh mục của Hwang có thể tiếp tục tăng giá trong những tháng gần đây là do anh ta tiếp tục mua vào mạnh mẽ. 

Như Bloomberg thuật lại, đối mặt với cuộc khủng hoảng, đại diện của Credit Suisse đã đưa ra 1 ý tưởng: chúng ta có nên chờ đợi các cổ phiếu mà Hwang đặt cược hồi phục? Họ lưu ý rằng giá cổ phiếu Viacom dường như đang ở mức thấp giả tạo sau khi vượt mốc 100 USD chỉ 2 ngày trước. Nhưng sự thật là chính những cú đặt lệnh của Hwang đã giúp Viacom trở thành cổ phiếu tăng điểm tốt nhất trong chỉ số S&P 500 kể từ đầu năm đến nay, buộc các nhà đầu tư chỉ số và những quỹ ETF cũng phải mua vào. Không có Hwang, Viacom và những cổ phiếu khác trong danh mục của anh ta gần như không có cơ hội hồi phục.

Có thể tóm tắt đơn giản chiến lược của Hwang như sau:

1.Bắt đầu với rất nhiều tiền

2.Nhưng cũng vay rất nhiều tiền

3.Sử dụng tất cả số tiền đó mua một số cổ phiếu với khối lượng lớn và liên tục đẩy giá

4.Khi giá tăng, vị thế sẽ tự động giảm tỷ lệ đòn bẩy

5.Sau đó lại sử dụng số tiền có được để vay thêm nhiều tiền hơn nữa và quay trở lại mua chính những cổ phiếu đó, đẩy giá tăng hơn nữa

6.Lặp lại mãi mãi?

Bài toán cổ phiếu tăng trưởng mãi mãi

Chắc hẳn chúng ta đều nhận ra chiến lược này có vấn đề. Làm sao giá cổ phiếu có thể tăng mãi mãi? Nếu giá giảm, bạn sẽ mất tất cả. Và cuối cùng thì điều đó đã xảy ra. Vẫn luôn có xác suất một cổ phiếu trong danh mục đầu tư giảm giá khi có tin xấu xảy đến, ví dụ như kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Tuy nhiên, nếu như bạn đầu tư vào một nhóm cổ phiếu và thổi giá tất cả các cổ phiếu đó, cuối cùng thì một trong số đó sẽ tận dụng mức giá cao để phát hành thêm cổ phiếu giống như Viacom đã làm trong tuần trước đó.

Việc phát hành thêm cổ phiếu khiến nguồn cung tăng và gây áp lực giảm giá. Nếu theo chiến lược trên, bạn cần phải mua vào một lượng lớn để toan tính của mình không chệch hướng. Nhưng nếu bạn phải đi vay từng đồng, làm sao để có thể mua thêm? Đó cũng chính là 1 rắc rối mà Hwang gặp phải, theo tờ New York Times đã viết.

"Ngày 22/3, ViacomCBS thông báo dự định phát hành thêm cổ phiếu với mục tiêu huy động 3 tỷ USD để tài trợ cho các kế hoạch mang tính chiến lược. Morgan Stanley đứng sau kế hoạch này. Thậm chí khi nhân viên ngân hàng thảo luận với cộng đồng nhà đầu tư, họ đã tính toán rằng Hwang sẽ là nhà đầu tư chủ chốt, người sẽ mua số cổ phiếu trị giá ít nhất 300 triệu USD.

Tuy nhiên, đến sáng thứ 24/3, Hwang đột ngột thay đổi kế hoạch. Chưa rõ lý do là gì nhưng cũng trong thời gian đó cổ phiếu của RLX (1 công ty sản xuất thuốc lá điện tử của Trung Quốc) và GSX (công ty giáo dục trực tuyến cũng của Trung Quốc) đã giảm giá. Quyết định của Hwang khiến cuối cùng Viacom chỉ huy động được 2,65 tỷ USD.

Các lãnh đạo của Viacom không hề hay biết sự thật là Hwang đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu cũng như chuyện Hwang đã thay đổi kế hoạch cho đến khi mọi chuyện hoàn tất. Sau khi nghe tin họ đã khá sốc".

Có vẻ như với 20 tỷ USD tài sản ròng và danh mục đầu tư trị giá gần 100 tỷ USD nhưng Hwang đã không thể xoay được 300 triệu USD để rót vào Viacom. Tất cả tài sản của Hwang đã được đem đi ký quỹ. Cùng lúc đó, một số nhà đầu tư bán ra ồ ạt và khiến cổ phiếu Viacom càng lao dốc. Theo Tờ Wall Street Journal, các ngân hàng đã rất sốc khi Archegos tiết lộ quy mô danh mục khổng lồ đối lập với số tiền mặt ít ỏi mà quỹ đang nắm trong tay.

Vì sao các ngân hàng bị qua mặt?

Một điểm đáng chú ý khác là rõ ràng các ngân hàng phải nhận thấy giao dịch với Archegos ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu như họ cho Archegos vay tới 85% giá trị cổ phiếu (thậm chí có chỗ tỷ lệ đòn bẩy lên tới 20/1) thì ngân hàng sẽ mất tiền khi giá cổ phiếu giảm hơn 15%. Nếu cổ phiếu bị chính Archegos thổi giá, thiệt hại còn lớn hơn. Theo tính toán của Bloomberg, tổng cộng các ngân hàng bị ảnh hưởng trong vụ này có thể mất từ 5 đến 10 tỷ USD. Credit Suisse đang tính đến việc "trảm tướng" vì thiệt hại quá lớn.

Tuy nhiên có lẽ các ngân hàng đã không hiểu đầy đủ về những gì đang diễn ra. Họ chỉ biết về giao dịch của chính mình với Archegos mà không biết quỹ này đang làm gì với các ngân hàng khác bởi Archegos không có nghĩa vụ phải tiết lộ. Họ biết rằng Archegos là 1 khách hàng lớn nhưng không biết là lớn đến đâu và cũng không biết danh mục của Archegos chỉ tập trung vào gần chục cổ phiếu rủi ro như vậy.

Kể cả nếu các ngân hàng biết rõ, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các ngân hàng vẫn muốn tham gia vào thương vụ vì họ tự tin mình có thể thoát ra sớm và tránh được thiệt hại. Goldman Sachs và Morgan Stanley đã thoát hàng thành công với một loạt giao dịch lô lớn. Và chính những giao dịch này đã châm ngòi cho cơn hoảng loạn trên thị trường, khiến các cổ phiếu trong danh mục của Archegos lao dốc và gây áp lực lên các ngân hàng khác.

Goldman và Morgan phải bán cổ phiếu ở mức giá rẻ, nhưng có vẻ vẫn cao hơn (hoặc ít nhất là gần bằng) mức giá khi họ cho Archegos vay. 2 ngân hàng đều cho biết vụ việc không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh.

Những ngân hàng chậm chân phải trả cái giá đắt hơn nhiều, mà nguyên nhân là do họ từng cố gắng hợp tác với các ngân hàng khác để giảm thiểu thiệt hại chung. Credit Suisse là bên đã đưa ra ý tưởng tất cả tạm thời ngừng hành động để chờ cơn bão qua đi, nhưng cuối cùng sự đồng thuận nhanh chóng bị phá vỡ. Trớ trêu thay cả Goldman và Morgan đều là những bên môi giới cấp 1 của Archegos và chính họ phụ trách vụ Viacom phát hành thêm cổ phiếu.

Swap - vũ khí giúp Hwang trở nên "vô hình"

Điểm đáng chú ý cuối cùng là Archegos đã không mua cổ phiếu bằng chính tài khoản của mình và vay tiền từ các môi giới cấp 1 để tài trợ cho các giao dịch. Thay vào đó, các môi giới mua cổ phiếu, sau đó Archegos mua lại từ họ thông qua các hợp đồng hoán đổi swap. Làm như vậy Archegos sở hữu cổ phiếu trên thực tế nhưng về mặt pháp lý thì lại không. Các ngân hàng sở hữu cổ phiếu như 1 công cụ để phòng vệ cho các hợp đồng hoán đổi.

Cơ chế của swap đã giúp Archegos và Hwang hoàn toàn không xuất hiện trên các tài liệu pháp lý. Họ trở thành cổ đông lớn mà không ai biết. Một số ngân hàng có lẽ sẽ giảm tỷ lệ margin cấp cho Archegos nếu như họ biết được đầy đủ về các giao dịch của quỹ với các ngân hàng khác hoặc về danh mục đầu tư của Hwang.

Câu chuyện về Archegos không chỉ là câu chuyện về 1 quỹ đầu cơ lớn và nổi tiếng bị cháy tài khoản vì đặt cược quá liều lĩnh. Đó là câu chuyện về 1 family office dù có quy mô khổng lồ nhưng đã giấu mình rất khéo léo, về Bill Hwang - 1 người đã đi từ số 0 lên 20 tỷ USD nhưng sau đó lại "về mo" chỉ sau vài bài báo.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên