Binance tư lợi hàng tỷ USD, bí mật chuyển tiền của khách hàng tới công ty do CEO Changpeng Zhao kiểm soát
Binance đang phải đối mặt với cáo buộc lớn tiếp theo của SEC.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vừa cáo buộc Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, xử lý sai lệch tiền của khách hàng. Việc công ty này gian dối với giới chức quản lý và các nhà đầu tư Mỹ về quy mô hoạt động cũng được cho là có thể khiến ngành công nghiệp tiền số đứng trước nguy cơ bị tái thiết lập.
Cáo buộc đánh dấu vụ kiện thứ hai của SEC trong năm nay nhằm vào Binance khi cho rằng sàn giao dịch này trốn tránh trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ. Cơ quan quản lý từ lâu đã coi Binance, với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày là 65 tỷ USD, là mục tiêu chính trong công cuộc thúc đẩy ngành công nghiệp tiền số sao cho minh bạch và quy củ.
Trong đơn khiếu nại dài 136 trang, SEC cho biết Binance đã trộn lẫn hàng tỷ USD tiền của khách hàng, sau đó bí mật gửi chúng đến một công ty riêng biệt có tên Merit Peak Limited được kiểm soát bởi nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao.
Khiếu nại cũng khẳng định Binance đánh lừa nhà đầu tư về hệ thống phát hiện, kiểm soát các giao dịch thao túng cũng như nỗ lực hạn chế người dùng Mỹ trên nền tảng quốc tế. Những người này chỉ có quyền truy cập Binance.US - một công ty được thành lập riêng biệt để hoạt động tại Mỹ.
“Binance và ông Zhao đã làm giàu cho mình hàng tỷ USD trong khi khiến tài sản của các nhà đầu tư đứng trước rủi ro”, các nhà quản lý cho biết trong một vụ kiện dân sự đệ trình lên Tòa án Quận Liên bang ở Washington.
Trong một bài đăng mới nhất, Binance khẳng định đã cố gắng thương lượng một thỏa thuận với các cơ quan quản lý, đồng thời bày tỏ nỗi “thất vọng” và “không hài lòng” trước quyết định khởi kiện của SEC. Phía sàn giao dịch cho biết “đây là một sai lầm” và khẳng định sẽ chống trả “mạnh mẽ”.
Theo The New York Times, các cáo buộc là động thái mới nhất của giới chức quản lý nhằm kiềm chế sự bành trướng của các giao dịch tiền số, đồng thời buộc những “người chơi lớn” tuân thủ luật pháp Mỹ. Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX, sàn giao dịch đối thủ của Binance trước khi nó nộp đơn phá sản, cũng đã phải đối mặt với phiên tòa xét xử vào tháng 10 sau một loạt cáo buộc. Trong những tháng gần đây, SEC cũng đã có các biện pháp xử phạt hành chính đối với một số công ty cho vay tiền số.
Reena Aggarwal, giáo sư tài chính tại Đại học Georgetown cho biết: “Các nhà quản lý Mỹ đang đặt ra nhiều thách thức khá lớn cho Binance và tiếp tục để mắt đến thế giới tiền số”.
Binance đang phải chịu nhiều áp lực. Hồi tháng 3, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai CFTC đã đệ đơn nhằm vào Binance và ông Zhao. Bộ Tư pháp cũng đang điều tra sàn giao dịch do nghi ngờ nó rửa tiền. Luật sư David Silver cho biết các khiếu nại của SEC đã “vạch trần mặt trái của tiền số” cũng như việc Binance “lừa dối khách hàng trong nhiều năm”.
Tổng cộng, SEC đưa ra 13 cáo buộc chống lại Binance và ông Zhao. Cơ quan này cũng đang tìm kiếm sự bồi thường từ Binance, đồng thời ngăn CZ đứng đầu bất kỳ doanh nghiệp nào đã đăng ký tại Mỹ.
Gurbir S. Grewal, Giám đốc bộ phận thực thi SEC cho biết: “Chúng tôi cáo buộc Zhao và Binance trốn tránh một cách có chủ đích với các quy định, đồng thời đẩy khách hàng cũng như nhà đầu tư gặp rủi ro”.
Được biết CFTC đang tìm cách trục xuất vĩnh viễn Binance ra khỏi Mỹ. Cơ quan này và SEC thường xuyên phối hợp cùng điều tra, song chưa rõ cái tên nào sẽ đóng vai trò chính trong việc quản lý các giao dịch tiền số.
Không dừng lại ở đó, Binance còn bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với Trung Quốc trong nhiều năm, theo Financial Times. Điều này mâu thuẫn hoàn toàn với những tuyên bố trước đó của các Giám đốc điều hành rằng sàn giao dịch tiền số này đã rời khỏi đại lục sau cuộc đàn áp chấn động toàn ngành hồi cuối năm 2017.
Theo đó, Giám đốc điều hành Changpeng Zhao và một số lãnh đạo cấp cao nhiều lần chỉ đạo nhân viên Binance che giấu hoạt động của công ty tại Trung Quốc, bao gồm một văn phòng được sử dụng cho đến ít nhất cuối năm 2019 và một ngân hàng Trung Quốc được dùng để trả lương nhân viên.
Hồi năm 2017, việc Trung Quốc bắt đầu siết chặt hoạt động liên quan đến thị trường tiền số khiến hơn 60 sàn giao dịch rơi vào tầm ngắm. Nhiều sàn có trụ sở tại Trung Quốc phải thông báo chuyển ra nước ngoài để tránh bị đóng cửa. Phía Binance khẳng định chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại quốc gia này.
Tuy nhiên thực tế, sàn giao dịch này vẫn ngấm ngầm hoạt động tại đất nước tỷ dân, thậm chí tìm cách che giấu phạm vi và địa điểm hoạt động khi bị cơ quan quản lý “nhòm ngó”. Binance cũng được cho là “cố tình” không tiết lộ vị trí các văn phòng điều hành để trốn tránh quy định.
Cuối năm 2019, nhân viên Binance được nhắc nhở: “Binance có văn phòng ở Malta, Singapore và Uganda. Vui lòng không xác nhận thông tin về bất kỳ văn phòng nào khác, kể cả Trung Quốc”.
Ngày 27/3, CFTC gửi đơn kiện lên tòa án liên bang, cáo buộc Binance và một số lãnh đạo thường xuyên phá vỡ các quy tắc về giao dịch trong quá trình trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. CFTC cũng tố Binance đã hướng dẫn khách hàng Mỹ dùng VPN để lách luật sử dụng các dịch vụ của sàn.
“Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị quan trọng bậc nhất. Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) lo ngại về bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan đến Trung Quốc”, Financial Times dẫn lời một cựu quan chức của CFIUS.
Theo: The New York Times, FT
Nhịp sống thị trường