MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định: Đầm cạn do nắng nóng kéo dài, đánh bắt thủy sản gặp khó

14-08-2019 - 08:39 AM | Thị trường

Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ở đầm Trà Ổ ở xã Mỹ Lợi (Phù Mỹ, Bình Định) cạn kiệt, gây khó khăn cho phát triển kinh tế của người dân.

Đã nhiều tháng nay, chiều nào ông La Văn Hiệp (67 tuổi) cũng ra ven đầm Trà Ổ, thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngóng nhìn con nước. Ở tuổi gần 70, chưa bao giờ ông chứng kiến đầm cạn trơ đáy như năm nay. Cả gia đình ông sống nhờ vào đánh bắt thủy sản trên đầm Trà Ổ. Mấy sào lúa cũng trông chờ nguồn nước của đầm. Vậy mà năm nay, đã cuối tháng 8 đầm vẫn cạn trơ đáy khiến ông không khỏi lo lắng.

“Từ nhỏ tới lớn, năm nay tôi mới thấy đầm hạn, khô cạn như thế này. Nông nghiệp không có nước, thủy sản khô cằn không còn gì thu hoạch nữa. Đời sống của bà con nhân dân ở đây vất vả về nước”, ông Hiệp nói.

Bình Định: Đầm cạn do nắng nóng kéo dài, đánh bắt thủy sản gặp khó - Ảnh 1.

Đầm cạn khô, không còn nước.

Có hơn 1.000 hộ ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên đầm Trà Ổ. Đầm này còn cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân 5 xã Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Lộc. Từ đầu mùa hè đến nay, nước trên đầm Trà Ổ đã cạn kiệt, đáy đầm trơ ra, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Trang cho biết, bà và con trai sống bằng khai thác hải sản trên đầm, nay đầm khô nước, các con phải đi làm thuê kiếm sống. "Sống bằng đầm mà bây giờ đầm khô, cạn kiệt nước. Trước đây bắt cá bắt tôm, cuộc sống khá ổn, còn bây giờ khổ cực, lấy gì mà sống", mà Trang than thở.

Bình Định: Đầm cạn do nắng nóng kéo dài, đánh bắt thủy sản gặp khó - Ảnh 2.

Những chiếc thuyền để đi đánh cá giờ vứt chỏng trơ ven đầm.


Đầm Trà Ổ nằm giữa đèo Nhông và đèo Phố Cũ của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đầm Trà Ổ phục vụ nước tưới cho khoảng 400ha lúa của huyện Phù Mỹ.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, vấn đề việc làm cho người dân khu vực đầm Trà Ổ là bài toán nan giải. Đối với người dân sống nhờ nguồn lợi thủy sản họ tự chuyển đổi nghề. Còn với diện tích sản xuất nông nghiệp, trước đây UBND tỉnh Bình Định chỉ cho phép tưới phục vụ 80ha. Thế nhưng, do người dân tự ý mở rộng diện tích lên hơn 400ha khiến nguồn nước tưới càng thêm khó khăn.

Ông Trần Châu cho biết thêm, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương nạo vét kênh mương, dùng trạm bơm dã chiến đưa nước về đầm phục vụ người dân.

"UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phát triển nông thôn, Công ty khai thác công trình thủy lợi với UBND huyện Phù Mỹ vét các kênh hiện có. Đồng thời, khoan thêm một số giếng ở lưu vực này để bơm chống hạn. Còn khoảng 3 đợt nước nữa, cố gắng cầm cự. Đây cũng là bài học rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo chưa quyết liệt. UBND huyện, UBND xã chưa chỉ đạo quyết liệt để người dân tận dụng lượng nước để mở rộng diện tích tưới quá lớn nên cuối vụ xảy ra thiếu nước rất nghiêm trọng", ông Trần Châu nói.

Theo An Kiên

VOV

Trở lên trên