MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định: Điểm nhấn kết nối của vùng và khu vực

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB), có tổng diện tích tự nhiên là 606.640 km2, dân số khoảng 1,5 triệu người. Tỉnh có điều kiện tự nhiên và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là địa phương có vị trí chiến lược trong kết nối vùng DHNTB với Tây Nguyên.

Khẳng định vị thế trung tâm trung chuyển của vùng

Bình Định là một trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT); một trung tâm du lịch quan trọng của vùng và cả nước (gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Cùng với Đà Nẵng, Bình Định được xem là một trong hai đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng. Tỉnh có vị trí địa kinh tế quan trọng, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đồng thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển Quy Nhơn. Bình Định cũng có lợi thế về mạng lưới giao thông với đầy đủ cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không). Theo đó, tỉnh là điểm trung chuyển, quá cảnh hàng hóa dịch vụ cảng biển logictics, đồng thời là một trung tâm phát triển du lịch của vùng KTTĐMT và của vùng Tây Nguyên.

Trong kỳ quy hoạch vừa qua, Bình Định đã phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, nâng cấp sân bay Phù Cát và nhiều tuyến đường bộ quan trọng, bảo đảm kết nối thuận lợi với các khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nam Phú Yên (Phú Yên), tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh trở thành đầu mối trung tâm phát triển dịch vụ quan trọng của các vùng. Về du lịch, với tài nguyên du lịch biển đảo, tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, Bình Định không chỉ là trung tâm du lịch của vùng, mà còn là một trong những trung tâm du lịch biển quan trọng của cả nước. Tỉnh có nhiều bãi tắm đẹp, trong đó có những bãi tắm lớn có chiều dài từ 2-5 km, thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch biển.

Bình Định: Điểm nhấn kết nối của vùng và khu vực - Ảnh 1.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB), có tổng diện tích tự nhiên là 606.640 km2, dân số khoảng 1,5 triệu người. Ảnh: N.T.

Ngoài tiềm năng du lịch biển, Bình Định đã trở thành điểm nhấn kết nối du lịch của vùng nhờ bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây từng là kinh đô của Vương quốc Champa với các di tích quý còn lại là Thành Đồ Bàn (Vijaya) và 14 cụm tháp Chăm với kiến trúc độc đáo. Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Định là địa phương thứ 2 sau Quảng Nam sở hữu nhiều tháp Chăm nhất nước ta. Tỉnh cũng là địa phương có nhiều danh nhân nổi tiếng và còn lưu giữ được khá nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể quý, rất có giá trị phục vụ phát triển du lịch. Quyết định số: 2350/QĐ-TTg, ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng DHNTB đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có vai trò là trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Bắc của toàn vùng.

Triển vọng kết nối, giao thương rộng mở

Phát huy tiềm năng văn hóa, con người, tiềm năng kinh tế biển và thế mạnh từ vị trí kết nối quan trọng như trên, những năm qua, tỉnh Bình Định đã đạt được các thành tựu phát triển đáng ghi nhận. Tỉnh đã và khai thác tương đối hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển (du lịch và đô thị biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, năng lượng tái tạo); giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân đạt trên 6,33%/năm trong kỳ quy hoạch 2011-2020; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 19.137,1 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp và thủy sản; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Năm 2022, tỉnh đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu chủ yếu; GRDP tăng hơn 8,5% (cao nhất từ trước tới nay); GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70,7 triệu đồng, tăng 11,59%.

Trong thời gian tới, bên cạnh mạng lưới giao thông đối ngoại đã được nâng cấp, mở rộng (gồm QL.1, QL.19, QL.19C, QL.1D), các dự án lớn như nâng cấp cảng Quy Nhơn, nâng cấp sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh… sẽ tạo động lực quan trọng để tỉnh Bình Định kết nối với vùng, khu vực và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. Tuyến cao tốc thành phố Quy Nhơn – Gia Lai trong tương lai không chỉ kết nối vùng DHNTB với Tây Nguyên, mà còn kết nối với các nước Campuchia, Lào thông qua các cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) và Bờ Y (Kon Tum). Cảng Quy Nhơn và sân bay Phù Cát được nâng cấp sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho Bình Định mở rộng kết nối với các địa phương trong cả nước và một số quốc gia trên thế giới, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics và vận tải.

Hệ thống giao thông hoàn thiện cũng cho phép Bình Định kết nối du lịch hiệu quả hơn với các địa phương khác thông qua các tuyến du lịch chuyên đề: Tuyến du lịch "Con đường Di sản ASEAN" kết nối với tuyến du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên" và "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại"; tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa Champa. Số du khách trong nước, quốc tế khám phá các điểm du lịch biển, du lịch văn hóa tại Bình Định có triển vọng gia tăng mạnh nhờ kết nối giao thông hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, Bình Định có cơ hội đẩy mạnh kết nối du lịch, nông nghiệp với các địa phương trong thời gian tới, trong bối cảnh định hướng quy hoạch phát triển của các tỉnh lân cận đều chú trọng phát triển các lĩnh vực kể trên. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ngãi xác định trọng tâm phát triển đến năm 2030 là đa dạng các ngành dịch vụ; đẩy mạnh phát triển du lịch. Tỉnh Gia Lai chú trọng phát triển du lịch và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng công nghệ cao. Riêng với lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, tỉnh Bình Định có cơ hội kết nối với các tỉnh lân cận, thậm chí một số địa phương của Lào, Campuchia, để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản nghiệp (tại Gia Lai hiện đã có các nhà máy chế biến nông sản hiện đại); kết nối với Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, để hình thành các chuỗi nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản...

Với những tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển như trên, dự thảo Quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Kết nối vùng, khu vực chắc chắn sẽ là lợi thế, là điểm tựa quan trọng để Bình Định thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng KTTĐMT.

Theo TS. Nguyễn Quốc Trường (Phó Viện trưởng Viện CLPT, Bộ KH&ĐT)

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên