Sau 20 năm, thu nhập tăng chưa đến 10 lần nhưng giá nhà đã tăng hơn 20 lần: 'Thời bố mẹ' mua nhà dễ hơn người trẻ bây giờ là đúng thôi!
Vì giá nhà tăng nhanh hơn rất nhiều so với thu nhập, người trẻ ngày nay sẽ phải lao động và tích cóp trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với thế hệ trước để mua được nhà.
Gần đây, xuất hiện nhiều cuộc thảo luận trên các trang mạng xã hội về chủ đề những người đang ở độ tuổi trung niên, tức được sinh ra trong thời kỳ khó khăn (những năm 60-70) của thế kỷ trước lại có nhà, có xe, trong khi các bạn trẻ ngày nay lại không thể đạt được những điều này vì lối sống khác biệt.
Nhưng có phải người trẻ bây giờ làm việc, kiếm tiền và chi tiêu theo cách của thế hệ trước thì có thể mua được nhà, được xe?
Trên thực tế, để mua được nhà ngày nay, người trẻ sẽ phải lao động và tích cóp trong khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với thế hệ trước, với sự cách biệt khoảng 20 năm.
Theo dữ liệu rao bán nhà ở kênh thông tin batdongsan.com.vn, chỉ xét giai đoạn 2002-2018, giá nhà bình quân tại các quận thuộc khu lõi trung tâm TP. HCM và Hà Nội đã biến thiên cực mạnh, lần lượt tăng 22-27 lần.
Nếu như vào năm 2002, giá nhà bình quân tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chỉ ghi nhận 11 triệu đồng/m2, giá nhà bình quân tại khu vực quận 1, TP. HCM chỉ ở mức 13 triệu đồng/m2, thì tính đến cuối năm 2018, giá nhà tại hai quận này đã tăng lên mức 292-297 triệu đồng mỗi m2.
Nếu quan sát thông tin rao bán nhà trên batdongsan.com.vn, mức giá nhà riêng ở quận Hoàn Kiếm hay quận 1 không phải mặt phố hiện nay cũng đang ở ngưỡng trăm triệu đồng/m2, tăng rất mạnh so với cách đây khoảng hai thập kỷ.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người Hà Nội là 621.000 đồng/người/tháng, người TP. HCM là 904.000 đồng/người/tháng. Sau 20 năm, đến nay, thu nhập bình quân người Hà Nội mới chỉ đạt mức 6,423 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 10,3 lần, người TP. HCM là 6,392 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 7 lần.
Có thể thấy, giá nhà ở hai thành phố lớn nhất cả nước tăng nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của thu nhập trong vòng 20 năm qua.
Không chỉ tăng nhanh theo thời gian, giá nhà ở Việt Nam so với thu nhập còn ở mức cao so với thế giới. TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng giá bất động sản tại Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người dân trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính đánh giá cũng đồng tình rằng giá của thị trường bất động sản bây giờ đang quá cao. Nếu như giá bình quân của BĐS tại Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập bình quân của người lao động một năm thì ở các nước phát triển chỉ gấp từ 6-7 lần so với mức thu nhập bình quân của người lao động.
Theo Numbeo.com (chuyên trang khảo sát thống kê chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới), cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có tỷ lệ giá nhà trên thu nhập bình quân đầu người khá cao, lần lượt đứng thứ 12 và 44 trên bảng xếp hạng thành phố.
Nhịp sống thị trường