MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Định thu hồi dự án điện mặt trời của Tập đoàn Ấn Độ

Bình Định thu hồi chủ trương nghiên cứu lập dự án điện mặt trời công suất 100MW của Tập đoàn Ấn Độ.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành văn bản số 6100/UBND-TH về việc thu hồi chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư năng lượng điện mặt trời tại thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp và thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát).

Bình Định thu hồi dự án điện mặt trời của Tập đoàn Ấn Độ - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Theo quy hoạch được duyệt, nhà máy có tổ máy 1 đưa vào vận hành năm 2021, tổ máy 2 đưa vào vận hành năm 2022. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện đàm phán xong hợp đồng BOT với Bộ Công Thương nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo (như lựa chọn nhà thầu EPC, đàm phán hợp đồng mua bán điện, đàm phán hợp đồng thuê đất...).

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, vào cuối tháng 10/2017, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5931/UBND-TH chấp thuận cho Công ty TATA Power thuộc Tập đoàn TATA Power Company Limited (Ấn Độ) được khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư năng lượng điện mặt trời tại 2 xã trên. Tuy nhiên, đến nay, Công ty TATA Power vẫn chưa thực hiện hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án nêu trên theo thời gian quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định vào tháng 7/2017, Tập đoàn TATA Power đã đề xuất được tỉnh giới thiệu địa điểm phù hợp để tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời với công suất 100MW. Tập đoàn TATA Tower được biết đến là chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 (tỉnh Sóc Trăng). Dự án này đầu tư theo hình thức BOT, có tổng công suất 1.320MW và vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Bình Định ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối, tiềm năng địa nhiệt phục vụ phát điện còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được khảo sát, đánh giá. Bù lại, điện mặt trời có tiềm năng rất tốt, tương đương với một số tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Cường độ bức xạ mặt trời ước tính trung bình 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình 3 - 5 kWh/m2/ngày của cả nước, số giờ nắng bình quân khoảng 7 giờ/ngày. Và năng lượng điện gió, tuy không bằng một số tỉnh phía Bắc nhưng tiềm năng của Bình Định tốt hơn các tỉnh phía Nam.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Mỹ An (Phù Mỹ) có tốc độ gió trên 6 m/giây; chỉ cần tốc độ gió 5 m/giây trở lên là tua bin đã có thể phát điện. Ngoài điều kiện khí hậu thuận lợi, các khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đề xuất dự án điện mặt trời như Khu kinh tế Nhơn Hội, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh còn có thế mạnh là nằm ở vùng ít có người dân sinh sống, việc giải phóng mặt bằng không gặp nhiều trở ngại.

Để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương Bình Định triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, điện gió đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng nguồn cung cấp năng lượng điện tại chỗ, giảm hiệu ứng nhà kính và các tác động tiêu cực từ phía môi trường, tạo hình ảnh thân thiện của tỉnh Bình Định trong việc xây dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch và bền vững. Ngoài ra, khi đi vào vận hành, các dự án sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động và nguồn thu cho ngân sách tại địa phương.

Theo Nguyễn Việt

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên