Bình Định thu hút nhà đầu tư Nhật Bản vào những ngành lợi thế
Bình Định nằm khá xa TP. HCM và TP Đà Nẵng (nơi tập trung sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản), nhưng tỉnh này hiện tại có gần 20 dự án đầu tư của Nhật Bản là điều hiếm thấy ở các tỉnh, thành phố nào khác.
- 13-07-2023Tỉnh miền Trung chấp thuận chủ trương đầu tư kho cảng khí LNG 1,3 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam
- 12-07-2023Sớm đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị
- 12-07-2023Đón ‘đại bàng’ đến Việt Nam
Nhiều ngành lợi thế để thu hút đầu tư
Bình Định đã thu hút được 19 dự án của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản (chiếm 22% tổng số dự án FDI của tỉnh), với tổng vốn đăng ký đầu tư 94,17 triệu USD.
Theo đánh giá của ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng, tỉnh Bình Định tuy nằm khá xa TP. HCM và TP Đà Nẵng (nơi tập trung sự đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản), nhưng tỉnh này hiện tại có gần 20 dự án đầu tư của Nhật Bản, đây là một điều hiếm thấy ở các tỉnh, thành phố khác.
Nhận thấy tỉnh Bình Định có nguồn nguyên liệu gỗ rất dồi dào, Công ty Marubeni Lumber Việt Nam đã quyết định chọn "xứ Nẫu" làm nơi dừng chân. Khi thực hiện các vấn đề liên quan tới thủ tục đầu tư, doanh nghiệp được chính quyền tỉnh hỗ trợ tối đa.
Ông Takimoto Jo, đại diện Công ty Marubeni Lumber Việt Nam tại Bình Định cho hay, trong khi các địa phương ở khu vực phía Bắc và phía Nam đều đang gặp khó khăn trong các vấn đề như: Chi phí để thuê mặt bằng, giá dịch vụ, thiếu hụt lao động… thì tại Bình Định, công ty không phải đối mặt với tình trạng này.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, về chế biến gỗ thì đầu tư vào Bình Định là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo đó, Bình Định là vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng rất dồi dào. Bên cạnh đó, Bình Định là cửa ngõ kết nối của miền Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, việc có thêm vùng nguyên liệu ngoài tỉnh trở thành một lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư lĩnh vực này.
"Chúng tôi biết mặt hàng nội thất mà phía Nhật Bản đang nhập từ Việt Nam đều là nội thất từ gỗ rừng trồng, mà phần lớn là gỗ cao su. Và dĩ nhiên, Tây Nguyên là vùng phát triển cao su lớn, việc đầu tư ở Bình Định để sử dụng vùng nguyên liệu gỗ cao su từ Tây Nguyên là phù hợp", ông Lập nói.
Cùng với đó, ngành gỗ là ngành mũi nhọn của tỉnh Bình Định, vì thế đầu tư vào ngành gỗ tại đây, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư
Còn ông Kosaburo Kimura, Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định cho biết, sở dĩ công ty chọn Bình Định để đầu tư nhà máy vì địa phương này có nhiều lợi thế, đặc biệt là trữ lượng cá khai thác đáp ứng được nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.
"Sau khi đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi tìm khu vực mới và may mắn có cơ hội đầu tư tại Bình Định. Trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư, chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ của chính quyền trong việc thành lập công ty", ông Kosaburo Kimura nói.
Trong lĩnh vực gia công thủy hải sản, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Sở NN&PTNT trong việc nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao kỹ thuật triển khai chuỗi liên kết khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Ngoài cá ngừ, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định đang nghiên cứu thêm các loại cá phù hợp để làm sashimi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Về vấn đề nguồn lao động, công ty nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Sở LĐ-TB&XH để tuyển dụng lao động. Hiện, công ty hợp tác với Sở NN&PTNT và Trường Đại học Quy Nhơn nghiên cứu biến chất thải trong sản xuất thành các sản phẩm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.
"Với đội ngũ lao động đa số là trẻ, chúng tôi tính toán đến việc tạo cơ chế giúp người lao động như cải thiện bữa ăn trưa, xây dựng nhà trẻ cho người lao động an tâm gắn bó làm việc", Kosaburo Kimura chia sẻ.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia đánh giá, chính quyền tỉnh Bình Định luôn chủ động, đồng hành và sẵn sàng làm tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Phải nói là chính quyền tỉnh Bình Định đang làm tất cả, doanh nghiệp chỉ cần bỏ vốn đầu tư, những vướng mắc về thủ tục đều được chính quyền giải quyết", ông Lịch nhìn nhận.
Với tư cách là cố vấn của địa phương, 10 năm gắn bó với công tác tư vấn cho chính quyền tỉnh Bình Định, ông Lịch cho rằng, địa phương này như là một Việt Nam thu nhỏ khi có biển đảo, đồng bằng, có tất cả điều kiện tự nhiên, có đầy đủ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ.
Đặc biệt, tỉnh Bình Định đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp Becamex và các khu công nghiệp, cụm công nghệ với hệ thống giao thông rất thuận lợi. Đồng thời, với dân số 1,5 triệu dân, Bình Định đang là nơi có nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.
"Hiện, các vấn đề về giá thuê mặt bằng, chi phí vận chuyển, nhân lực thiếu hụt mà doanh nghiệp gặp phải ở phía Bắc và phía Nam đều có thể giải quyết thuận lợi ở Bình Định. Đây là lợi thế để nhà đầu tư lựa chọn Bình Định", ông Lịch chia sẻ thêm.
Các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Bình Định chủ yếu nằm trong các lĩnh vực công nghiệp 10 dự án; dịch vụ 7 dự án; nông nghiệp 2 dự án.
5 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vốn lớn nhất tại Bình Định bao gồm: Công ty TNHH Fujiwara Bình Định (47,33 triệu USD); Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn (20,75 triệu USD); Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định (7,8 triệu USD); Công ty TNHH Marubeni Lumber Việt Nam (5 triệu USD); Công ty TNHH Takumino (3,97 triệu USD).
Nhà đầu tư