Bình Định vượt khó đưa hàng xuất khẩu ra thị trường mới
Năm 2023, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Định tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh kịp thời hỗ trợ, xử lý các vướng mắc, giúp DN vượt khó. Kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định đạt 100% kế hoạch đề ra.
- 21-12-2023Áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024
- 21-12-2023Bà Rịa-Vũng Tàu: Vượt kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài
- 21-12-2023Người lao động mừng, doanh nghiệp 'than' khó
Công ty Cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài, tỉnh Bình Định là doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ lớn nhất tỉnh này. Những ngày cuối năm 2023, khoảng 500 công nhân ở 4 nhà máy sản xuất viên nén của Công ty tập trung sản xuất viên nén gỗ, hoàn thành các đơn hàng theo đúng kế hoạch. Nhà máy sản xuất viên nén gỗ này được đầu tư theo công nghệ hiện đại, sản lượng cao. Hiện nay, Công ty Cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài đã ký hợp đồng cung cấp dài hạn với mức cố định đối với các đối tác Nhật Bản nên rất thuận lợi trong việc xuất khẩu viên nén gỗ. Từ đầu năm tới nay, Công ty đã xuất khẩu gần 700.000 tấn viên nén gỗ, thu về 90 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài cho biết, mặt hàng viên nén gỗ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ổn định và tiếp tục tăng.
“Giá trị xuất khẩu năm 2023 của Công ty đạt gần 700.000 tấn, tăng 15% so với năm 2022, trong đó tập trung vào thị trường Nhật Bản và có một số chuyến tàu xuất khẩu sang châu Âu. Các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Sau chuyển đi xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh Bình Định vào thị trường Nhật Bản thì các đơn vị sản xuất viên nén mới ra đời đã tìm được các đối tác, ký được các hợp đồng dài hạn”, ông Nguyễn Thanh Phong phấn khởi.
Thời điểm này, tại nhà máy của Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hàng trăm công nhân đang hối hả làm hàng xuất khẩu. Công ty này chuyên mua một số loại cá thông qua các cảng ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đưa về nhà máy ở Bình Định để chế biến. Trong đó, chủ yếu là cá hồi từ Na Uy nhập về. Các sản phẩm được gia công theo đơn đặt hàng của khách hàng ở nước ngoài, phổ biến là hàng ăn sống và hàng gia nhiệt. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty thực hiện việc gia công và xuất khẩu hơn 1.000 tấn cá, thu về hơn 100 tỷ đồng.
Ông Kasaburo Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định cho biết, sản lượng xuất khẩu năm nay không bằng các năm trước. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang ấm dần lên, Công ty cũng đang tiếp cận được các thị trường và đơn hàng mới.
“Nhà máy hiện tại đang sản xuất dựa theo quy trình nhận nguyên liệu từ khách gửi về, sau đó sản xuất rồi gửi lại. Gần đây, công ty kết hợp với tỉnh Bình Định làm một số mặt hàng liên quan như tôm của Việt Úc, cá Diêu Hồng trên hồ Định Bình. Chúng tôi cũng làm mẫu rất nhiều gửi cho khách tuy nhiên giá thành so với mặt bằng chung đang rất khó để cạnh tranh. Từ tháng 9/2023, công ty đã kết nối một số khách hàng mới ở Nhật Bản, khi chúng tôi đưa mẫu cho bên kia thì có thể nhận đơn hàng trong thời gian tới”, ông Kasaburo Kimura cho biết.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định đang quản lý rất nhiều doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong những tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất khoảng 80% đến 90% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đến quý IV năm 2023, các doanh nghiệp đã dần hồi phục, đặc biệt là các doanh nghiệp viên nén gỗ có đơn hàng tương đối tốt. Một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và tạo ra giá trị xuất khẩu cao. Tính đến cuối năm nay, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định quản lý đã vượt kế hoạch đề ra.
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh Bình Định tìm cách tháo gỡ.
“Hỗ trợ, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đang quá trình xây dựng sớm đi vào sản xuất để tạo ra giá trị cũng như xuất khẩu. Ban Quản lý phối hợp với Sở Công Thương hàng tháng tổ chức giao ban, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường nước ngoài để các doanh nghiệp trên cơ sở đó thực hiện các hoạt động định hướng trong việc lựa chọn khách hàng, đối tác nước ngoài để đẩy mạnh công tác xuất khẩu”, ông Đặng Vĩnh Sơn cho biết thêm.
Năm 2023, hoạt động xuất khẩu ở tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do tình hình lạm phát và bất ổn ở một số nước trên thế giới khiến đơn hàng, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm nay, tỉnh Bình Định đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu trên địa bàn. Tỉnh này đã lập 3 tổ công tác liên ngành thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp, qua đó nắm bắt và hỗ trợ, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định ước đạt 1,6 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch năm 2023. Một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ như gỗ (bao gồm viên nén gỗ, dăm bạch đàn, ván ép) tăng 18,5%; hàng dệt may tăng 12,7%, gạo tăng 58,1%.
Năm 2024, tỉnh Bình Định đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu mới. Tỉnh này tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường mới. Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại.
“Thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ thực hiện các dự án công nghiệp thương mại, năng lượng tái tạo; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị doanh nghiệp đã đi vào hoạt động phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp giá trị vào sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm ở từng thị trường trong và ngoài nước để có định hướng phát triển sản xuất cho từng ngành, nghề”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định thông tin.
vov.vn