Bình Dương đảm bảo sự đồng thuận trong di dời nhà máy ra khỏi thành phố
Tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn thiện chính sách xây dựng tiêu chí hỗ trợ di dời và chuyển đổi công năng cho các doanh nghiệp và người lao động.
- 16-05-2024Lương hưu được tính như thế nào khi bỏ lương cơ sở?
- 16-05-2024Tình hình kinh tế 5 huyện chuẩn bị lên quận ở Hà Nội
- 16-05-2024Ai nói Việt Nam không làm nổi ốc vít? Một ngành công nghiệp VN đã tạo ra siêu phẩm khiến thế giới thán phục
Địa phương đang định hướng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời ra khỏi thành phố nhằm mục đích tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cải thiện môi trường sống và làm việc cho người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Nhiều doanh nghiệp còn lo ngại
Nhiều doanh nghiệp gỗ trong Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương còn thắc mắc về các vấn đề như chính sách đền bù. Ông Nguyễn Phi Hùng, chủ một doanh nghiệp gỗ bày tỏ, doanh nghiệp di dời là phải ngưng sản xuất dẫn đến đứt nguồn hàng. Các doanh nghiệp mong muốn vẫn duy trì được sản xuất trong thời gian ngắn nhất.
Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (thành phố Dĩ An, Bình Dương) cho biết, Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3210/QĐ-UBND được tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2019, nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đến năm 2023 mới công bố và hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có những doanh nghiệp đã phải di dời vào năm 2028, liệu có cập rập quá khi thông tin về chính sách đền bù, quy hoạch vẫn chưa được rõ ràng, công khai?
Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh về các ngành nghề truyền thống gốm sứ cho rằng, đất của các doanh nghiệp ngày xưa mua của người dân, nhưng giờ lại phải trả lại nhà nước và dịch chuyển vào các khu công nghiệp liệu có phải đi thuê và trả tiền lại cho nhà nước không, lộ trình như nào, liệu có thể tồn tại song song các doanh nghiệp ngành nghề truyền thống trong lòng thành phố để phát triển theo hướng ngành nghề du lịch?
Đảm bảo sự đồng thuận
Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, tỉnh Bình Dương được định hướng trở thành trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ. Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp tại các địa phương phía Nam để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới. Việc di dời này sẽ giúp tái thiết đô thị, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và đảm bảo phát triển bền vững cho tỉnh.
Vừa qua, tỉnh Bình Dương đã làm việc và khảo sát các doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh tại Khu công nghiệp Bình Đường, phường An Bình, thành phố Dĩ An về việc di dời, chuyển đổi công năng. Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc các ngành nghề may mặc, giày da, bao bì giấy, sử dụng lao động phổ thông, chỉ có 4 công ty có công nghệ cao là in lụa, gia công khuôn mẫu, gia công cơ khí.
Đa số ý kiến các doanh nghiệp đều đồng thuận cao với chủ trương di dời, chuyển đổi công năng khu công nghiệp Bình Đường. Ngoài Công ty cổ phần Sung Hyun Vina có mong muốn được chuyển đổi công năng sớm, có thêm 1 công ty mong muốn sẽ được thuê lại đất ở vị trí cũ để làm văn phòng (Công ty Intercharm Management Việt Nam). Trong năm 2025 - 2026, sẽ thí điểm triển khai di dời 2 đến 3 doanh nghiệp của khu công nghiệp Bình Đường.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tỉnh vẫn tồn tại những doanh nghiệp trong lòng thành phố phù hợp với tiêu chí của địa phương nhưng phải đủ 3 điều kiện về quy hoạch, môi trường, phòng cháy và chữa cháy.
Việc thực hiện một số thí điểm di dời và chuyển đổi công năng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 2.900 nhà máy theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 31/10/2019. Tuy nhiên, do nhiều nhà máy đã tự chuyển đổi công năng, con số cụ thể cần được xem xét lại.
Bình Dương đã quy hoạch 8 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.842 ha và 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.743 ha để phục vụ cho việc di dời. Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp này sẽ được phát triển kèm theo hạ tầng xã hội như nhà ở cho công nhân, hạ tầng giao thông, dịch vụ y tế, trường học, nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người lao động di dời.
Việc di dời đảm bảo sự đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp và nhà nước; đồng thời, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Quá trình này bao gồm khảo sát, đánh giá hiện trạng, tổ chức hội thảo, hội nghị để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Cuối tháng 6 năm 2024, Bình Dương sẽ có sơ đồ quy hoạch chính thức với bản đồ cụ thể rõ ràng và phân khu từng nơi, công khai minh bạch. 12 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh Bình Dương vào kỳ họp tháng 7, bao gồm các chính sách hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ chi phí, vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ trong thời gian ngừng việc.
Việc thực hiện sẽ được bắt đầu bằng các dự án thí điểm; trong đó, doanh nghiệp tự nguyện đăng ký sẽ được ưu tiên. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm, tỉnh sẽ triển khai rộng rãi theo lộ trình đã đề ra.
Báo tin tức