Bình Dương khó phát triển nhà ở xã hội vì vướng thể chế
Việc triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng nhà ở xã hội ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn và bất cập, khiến nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà, như thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài…
Với Đề án “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Tuy nhiên những vướng mắc về thể chế khiến nhiều người lo ngại rằng, tỉnh khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Xây nhà ở xã hội phải phù hợp nhu cầu
Bình Dương có 29 khu công nghiệp, thu hút gần 2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài. Với nguồn lực lao động này, nhu cầu về nhà ở là cực kỳ lớn, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Để đảm bảo cho người lao động được "an cư, lạc nghiệp", Bình Dương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn hơn 5,1 triệu m2, đáp ứng nhu cầu chỗ ở khoảng 500.000 người. Trong đó, Tổng Công ty Becamex IDC là doanh nghiệp đã thành công với mô hình căn hộ 100 triệu đồng/căn bán cho công nhân.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng Công ty Đầu tư - Phát triển công nghiệp của Tổng công ty Becamex IDC cho biết, công ty đã nghiên cứu đưa ra các mô hình xây dựng cho phù hợp. “Nhà ở xã hội phải là một mô hình đầy đủ từ quy hoạch, thiết kế để làm sao tối ưu hóa được về mặt sử dụng. Qua toàn bộ quá trình thiết kế, thi công, xây dựng, quản lí, vận hành, nó phải được nhìn nhận ở chiều sâu để sau này sản phẩm mang đến sự tiết kiệm trong quá trình sử dụng. Nhà ở xã hội phải phù hợp với khả năng chi trả, phù hợp với văn hóa và lối sống của đối tượng tiếp cận”, ông Hải nêu quan điểm.
Mặc dù Bình Dương được xem là tỉnh tiên phong và là điểm sáng trong xây dựng nhà ở xã hội, nhưng với gần 2 triệu lao động nguồn cung vẫn chưa đủ cầu. Do đó, người lao động vẫn phải ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, xác định người lao động đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, chăm lo. Trong đó, dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Để người lao động có điều kiện tốt nhất khi chọn Bình Dương làm quê hương thứ 2 thì cần xây thêm nhiều khu nhà ở xã hội.
“Nhu cầu của người lao động khi đến Bình Dương là có nơi xây dựng mái ấm gia đình, có nơi an cư lạc nghiệp để yên tâm lao động sản xuất rất cao. Do đó, tổ chức công đoàn tiếp tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh, đề xuất với các cơ quan chuyên môn để mỗi người công nhân khi có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội được đáp ứng nhu cầu kịp thời. Tổ chức công đoàn cũng lưu ý nhiều vấn đề, giải pháp liên quan đến các chế độ chính sách để người lao động tiếp cận chế độ ưu đãi nhất trong điều kiện thuận lợi nhất trong thuê, mua nhà ở xã hội”, bà Loan đề cập.
Phải có chính sách hỗ trợ
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, Bình Dương được giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn so với dự báo nhu cầu là 115.836 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Với dự báo số lượng lao động ngày càng tăng, Bình Dương đang xây dựng “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu xây dựng khoảng 172.000 căn, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao. Từ nay đến năm 2025 sẽ xây trước 42.200 căn.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn và bất cập, khiến nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà, như thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài… Bên cạnh đó, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng rất khó tiếp cận, bởi các ràng buộc về điều kiện thụ hưởng như thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm...
Ông Phan Cao Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản mới, đã tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của chủ đầu tư và đối tượng mua nhà ở xã hội. Để người lao động sớm tiếp cận được nhà ở xã hội thì cần xem lại lãi suất cho vay.
“Nguồn vốn mua nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thời gian qua lãi suất vẫn còn cao khiền người dân còn e ngại. Chính phủ và các cơ quan trong đó có Ngân hàng nhà nước Việt Nam xem xét giảm lãi suất để người dân có thể tiếp cận tốt hơn và có cơ hội mua nhà ở trong tình hình còn nhiều khó khăn”, ông Phúc lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Bình Dương đã làm tốt công tác xây dựng nhà ở xã hội, nhưng do vướng thể chế và hệ thống pháp luật còn lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau tạo ra rào cản kìm hãm quy trình xử lí thủ tục hồ sơ cho các dự án bất động sản, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Hiện nay, Chính phủ đã và đang có hành động quyết liệt để tháo gỡ, nhưng việc sửa những bộ luật cần có thời gian.
“Hy vọng trong năm 2024 sẽ có nhiều điểm nghẽn, khó khăn chính sách được thay đổi. Đặc biệt là thành công trong sự kiểm soát của Nhà nước và Chính phủ sẽ tác động làm cho thị trường dần dần lấy lại được niềm tin, lấy lại được những hoạt động kinh tế và dần dần đi theo hướng ổn định”, ông Đính nói.
Trong khi chờ quy định của pháp luật được sửa đổi, DN mong rằng những khó khăn nội tại cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương để tháo gỡ. Tỉnh cần có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng nhà ở xã hội, như vậy mới đạt được mục tiêu cao cả là đem lại nơi ở, chỗ an cư cho những người đang thực sự rất cần.
VOV