Bình Dương ra Nghị quyết về đường Vành đai 4, thông qua quy hoạch hai khu công nghiệp
Đường Vành đai 4 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dự kiến vốn đầu tư 18.247,9 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư.
- 03-07-2023Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đảm bảo toàn bộ mặt bằng Vành đai 4 sạch đến cuối năm 2023
- 30-06-2023Đề xuất mức lãi vay đầu tư PPP đường vành đai 4 vùng Thủ đô
- 24-06-2023Chi tiết Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội gần 86.000 tỷ đồng
Ngày 18/7, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 11 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, Kỳ họp thứ 10 (chuyên đề) thông qua ngày 4/7/2023 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua.
Cụ thể, bổ sung địa giới hành chính thành phố Thủ Dầu Một vào địa điểm thực hiện dự án. Địa điểm thực hiện dự án sau điều chỉnh gồm: TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TX Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án Vành đai 4 TPHCM đoạn Bình Dương từ năm 2023 - 2026. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 419,6ha trong đó tuyến chính 413,4 ha, tuyến kết nối 6,2ha. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 18.247,9 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
HĐND tỉnh Bình Dương cũng ban hành Nghị quyết số 13 về việc thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Cây Trường.
Khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Cây Trường có vị trí tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Phía Đông giáp đất cao su (thuộc thị trấn Lai Uyên); phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Cây Trường II); phía Nam giáp Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng và đất cao su; phía Bắc giáp đất cao su (thuộc xã Cây Trường II). Quy mô lập quy hoạch 700ha với khoảng 35.000 người.
Khu công nghiệp Cây Trường được xác định là một khu công nghiệp tập trung, đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Đồng thời, HĐND tỉnh Bình Dương cũng ban hành Nghị quyết số 12 về việc thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (giai đoạn 2).
Khu vực lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III có vị trí nằm trên địa bàn của 2 đơn vị hành chính gồm phường Hội Nghĩa thuộc TP Tân Uyên và xã Tân Lập thuộc huyện Bắc Tân Uyên.
Phạm vi ranh giới quy hoạch phân khu nằm trong ranh giới của Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III có quy mô 1.000ha đã được phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng và được xác định: Phía Bắc giáp tuyến ĐT 745A theo quy hoạch và giáp khu vực đã lập Quy hoạch phân khu xây dựng giai đoạn 1 (196,45ha); phía Nam giáp đường Vành đai 4 theo quy hoạch Vùng TPHCM. Phía Đông giáp đất dân cư xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên; phía Tây giáp đất cao su thuộc Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa và khu vực đã lập Quy hoạch phân khu giai đoạn 1 (196,45ha). Quy mô lập quy hoạch khu công nghiệp: 803,55ha, quy mô lao động từ 33.000 - 35.000 người.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (giai đoạn 2) là khu công nghiệp sản xuất tập trung đa ngành nghề, trong đó, ưu tiên khai thác các loại hình công nghiệp công nghệ cao, gắn với khu trung tâm dịch vụ, điều hành của toàn Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III và kết nối trục giao thông đối ngoại đường ĐT 746.
Tiền phong