MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Thuận: 105 dự án nghỉ dưỡng ven biển chậm tiến độ, hàng chục chủ đầu tư sẽ bị rút giấy phép đầu tư

21-08-2018 - 08:19 AM | Bất động sản

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 20/7/2018, Bình Thuận có 105 dự án du lịch chưa triển khai. Trong đó, có 54 dự án vướng đền bù, giải tỏa, 28 dự án vướng khai thác khoáng sản titan, 23 dự án không có đường vào và vướng quy hoạch.

Cũng theo Sở này, nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai hàng loạt dự án chậm kéo dài là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, kéo dài do việc xác định tính pháp lý, nhiều trường hợp phức tạp, chính sách giá đền bù thay đổi. 

Song song đó, các chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù, các khu tái định cư chưa triển khai xây dựng kịp thời để dân tái định cư. Một số dự án chỉ thỏa thuận được một phần diện tích đất dự án, trong đó có dự án có diện tích đất thỏa thuận bị da beo, không thể triển khai được. 

Một số dự án chồng lấn quy hoạch cát đen (chờ thăm dò, khai thác), như khu vực Long Sơn - Suối Nước - Mũi Né, thành phố Phan Thiết; xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Bắc Bình; xã Thuận Quý,  Hàm Thuận Nam; xã Tân Thắng, Hàm Tân. Các dự án này phải tạm ngừng để ưu tiên cho việc thăm dò, khai thác khoáng sản. 

Một số khu vực  hạ tầng thiếu hoặc chưa có đường điện, hệ thống chiếu sáng, nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải…). Một số khu du lịch còn chưa có đường vào dự án để tập kết vật liệu thi công (do chưa bố trí được vốn đầu tư) làm cho các nhà đầu tư chậm triển khai xây dựng hoặc triển khai cầm chừng. 

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, tiền thuê đất tăng cao, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, ngày càng có nhiều nhà đầu tư xin giãn tiến độ thực hiện dự án hoặc xin trả lại dự án"…

Như dự án Khu du lịch Nguyên Sa (diện tích gần 21.600 m2) và dự án Khu du lịch Xuân Quỳnh (diện tích 24.150 m2) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư đã hơn 17 năm nhưng chưa tiến hành xây dựng dù đã được cho gia hạn 6 tháng.  Cạnh đó, Khu du lịch Minh Quân (diện tích khoảng 4,38 ha) cũng là dự án hơn 13 năm chậm triển khai và từng được UBND tỉnh cho gia hạn 6 tháng để hoàn chỉnh các thủ tục. Thế nhưng hết thời hạn, chủ đầu tư lại cam kết trong quý III này sẽ hoàn chỉnh phần thiết kế và hoàn tất hồ sơ pháp lý xin giấy phép xây dựng để quý IV/2018 khởi công, đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2019…

Cùng trên địa bàn phường Mũi Né, dự án Khu du lịch Minh Sơn (diện tích hơn 4,5 ha) được chấp thuận đầu tư từ năm 2004 cũng một lần được UBND tỉnh đồng ý gia hạn 6 tháng nhưng chủ đầu tư chưa tích cực triển khai… Còn với dự án Khu du lịch Việt Hùng (diện tích 4,6 ha), Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết đã hai lần mời chủ đầu tư vào tháng 9/2017 và tháng 4/2018 nhưng không tham gia dự họp.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư  chủ trì, tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương, làm việc với chủ đầu tư các dự án chưa triển khai để kịp thời xem xét, đề xuất biện pháp xử lý những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai xây dựng mà không có lý do chính đáng. 

Riêng với những trường hợp dự án hiện còn đang vướng đền bù giải tỏa, tỉnh yêu cầu đến trước ngày 31/12/2018 phải thực hiện xong công tác này (ngoại trừ các dự án mới cấp Quyết định chủ trương đầu tư). Nếu sau thời hạn mà vẫn chưa triển khai thực hiện hoàn thành thì yêu cầu các chủ đầu tư đưa phần diện tích chưa thỏa thuận đền bù xong ra khỏi dự án, hoặc chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, sắp tới đây Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Thuận sẽ mời chủ đầu tư các dự án nêu trên để quán triệt nội dung liên quan. Đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư có văn bản cam kết cụ thể tiến độ triển khai dự án trong thời gian được gia hạn, trường hợp dự án không thực hiện đúng theo nội dung cam kết thì sở chức năng kiên quyết trình UBND tỉnh thu hồi dự án và sẽ không giải quyết bất kỳ kiến nghị nào của chủ đầu tư.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất thu hồi 20 dự án, trong đó tại TP Phan Thiết sẽ thu hồi 8 dự án; huyện Hàm Thuận Nam có12 dự án. Tiếp tục rà soát các dự án còn lại, đề xuất UBND tỉnh xử lý các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng. 

Đồng thời để tránh tình trạng chủ đầu tư không có nguồn lực tài chính, đăng ký rồi để đó chờ sang nhượng, giữ đất… gây lãng phí những khu "đất vàng" nguồn tài nguyên du lịch, các cấp, ngành chức năng cần mạnh tay hơn nữa để xử lý những dự án du lịch chậm triển khai.

Nguyên Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên