MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Thuận thất thu mùa thanh long trái vụ

15-02-2020 - 18:01 PM | Thị trường

Giá bán thanh long tại Bình Thuận chỉ còn 4.000 - 7.000 đồng/kg nhưng thương lái thu mua nhỏ giọt khiến nhiều nông dân không mặn mà sản xuất.

Nhiều nhà vườn trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận ngừng chong đèn kích thích ra hoa trái vụ để giảm thiệt hại vì lo ngại ảnh hưởng từ đại dịch do virus corona chủng mới (Covid-19) còn kéo dài. Với vườn thanh long 500 trụ, trang bị một bình điện hạ thế riêng, thời điểm này mọi năm, ông Nguyễn Văn Khuê (thôn Đằng Thành, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam) đã chong đèn trái vụ 2 lần. Thế nhưng, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá thanh long xuống tận đáy, khiến ông Khuê không dám mạo hiểm. "Hiện tại, tôi chấp nhận ngưng chong đèn để dồn sức cho cây thanh long thu hoạch vụ mùa mới may ra có lời chứ cố làm rồi tình hình này khi bán ra chỉ từ huề vốn đến lỗ" - ông Khuê nói.

Bình Thuận thất thu mùa thanh long trái vụ - Ảnh 1.

Ông Khuê cắt tỉa cành để chờ vụ thanh long mùa tới, thay vì tiếp tục chong đèn.

Do thời tiết không thuận lợi, 400 gốc thanh long của anh Nguyễn Văn Suất tại xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc) chỉ ra hoa lưa thưa. Lẽ ra, theo lệ thường, anh Suất phải bắt bóng đèn để "hấp" lại vườn cho cây ra hoa tiếp. Thế nhưng, do tình hình thu mua thanh long ảm đạm và dự đoán giá khó nhích lên được trong vài ngày tới nên anh quyết định ngưng hẳn.

Theo các chủ vựa ở Bình Thuận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thu mua, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bị gián đoạn nhiều ngày qua. Đầu tháng 2-2020, cửa khẩu Hữu Nghị đã mở cho các xe container chở thanh long được thông quan nhưng chỉ nhỏ giọt. Trong khi đó, sức tiêu thụ mặt hàng này tại Trung Quốc cũng giảm mạnh do các khu chợ, trung tâm thương mại hạn chế mở cửa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh còn gần 90.000 tấn thanh long trái vụ đã và sắp chín.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiêu thụ thanh long mới đây, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, yêu cầu các sở ngành, địa phương hướng dẫn người trồng có kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp. "Đối với hộ gia đình và cơ sở trồng thanh long không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì không tiếp tục chong đèn. Trường hợp đã chong đèn ra hoa thì cũng nên tỉa bớt trái. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tiêu thụ ở những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng" - ông Phong cho biết.

Bình Thuận là địa phương canh tác thanh long nhiều nhất nước với tổng diện tích trên 30.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt bình quân 500.000 tấn. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính với mức xuất khẩu chính ngạch 2%-3%, mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc trên 80%. Thời gian sản xuất trái vụ của nông dân Bình Thuận thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Hơn một nửa trong tổng số diện tích trên 30.000 ha thanh long được luân phiên chong đèn hằng năm. Việc nông dân chủ động ngưng chong đèn sản xuất nghịch vụ có thể làm giảm mạnh sản lượng trong 2-3 tháng tới.

Trung Quốc đặt mua trở lại

Chiều 14-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết hiện các nhà kho Trung Quốc đã đặt hàng thanh long ruột đỏ trở lại, giá mua khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, thanh long trái vụ đã thu hoạch xong đợt 1, vài ngày nữa đợt 2 mới chín tới để có thể cắt bán. Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cũng xác nhận hiện thanh long Long An đã tạm hết hàng, dự kiến sẽ thu hoạch rộ để xuất bán cho Trung Quốc trở lại trong cuối tháng này. "Toàn tỉnh Long An còn khoảng 80.000 - 90.000 tấn thanh long trái vụ chưa thu hoạch. Mấy ngày nay, nông dân thu hoạch xong đợt 1 tạm ngưng chong đèn để chờ thông tin thị trường, nay Trung Quốc phát tín hiệu "ăn" hàng trở lại nên bà con đã chong đèn" - ông Thịnh thông tin thêm.

T.Nhân

Theo Hợp Phố

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên