MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Thuận tìm đầu ra cho trái thanh long

29-07-2021 - 08:54 AM | Thị trường

Tỉnh Bình Thuận dự kiến sản lượng thanh long 6 tháng cuối năm 2021 khoảng 437.000 tấn. Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bình Thuận đã có kế hoạch triển khai hỗ trợ nông dân, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ trái thanh long.

Trước năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, mỗi năm, Hợp tác xã thanh long  Thuận Tiến, ở thôn Thuận Điền, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận xuất khẩu từ 600 đến 1.000 tấn trái thanh long đạt chuẩn GlobalGAP sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc… với doanh thu rất lớn. Nhưng từ khi có dịch, doanh thu từ việc xuất khẩu giảm sâu. Do hợp đồng đã ký kết từ trước nên không tăng giá bán, trong khi giá khâu vận chuyển tăng từ 3,9 USD/kg lên 5,9USD/kg.

Anh Trần Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cho biết, để tìm đầu ra cho trái thanh long, vừa qua hợp tác xã đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như: Nepal, Afghanistan. Nhưng khi ký kết được biên bản thoả thuận thì dịch lại bùng phát, nên việc giao dịch phải tạm ngưng.

“Dự kiến, vào cuối năm nay, HTX sẽ phối hợp và liên kết lại với các HTX bạn để xuất những đơn hàng dễ tính, giải quyết được hàng chuẩn VietGAP cho bà con nông dân tỉnh Bình Thuận từ 50.000 – 100.000 tấn/năm”, anh Trần Đình Trung cho hay.

Cũng như các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thanh long khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, thôn Phú Sum, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng đang cơ cấu lại việc làm ăn của mình trong tình dịch bệnh như hiện nay. Vì sản phẩm của đơn vị này chủ yếu là xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Nay việc xuất khẩu chậm đi rất nhiều và giá cũng xuống thấp nên người sản xuất lỗ, còn doanh nghiệp kinh doanh cũng gặp khó khăn.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, ngoài việc tìm cách để bán được trái thanh long tươi, đơn vị cũng đầu tư máy sấy khoảng 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang chuyển sang sản phẩm thanh long sấy để cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước với giá gốc khoảng 600.000 đồng/kg (18-20 kg trái tươi cho ra 1kg thanh long sấy).

“Sấy kiểu này giữ được chất lượng sản phẩm giống như sản phẩm tươi 100%, Đó cũng là cách làm để đa dạng hoá sản phẩm. Hiện chúng tôi có sản phẩm sấy thanh long ruột trắng và thanh long tím hồng. Tôi nghĩ trong mùa dịch này sản phẩm sấy có thể được, còn sản phẩm tươi hơi khó vì vấn đề giao hàng và vận chuyển phải nhanh chóng”, ông Trần Ngọc Hiệp cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 33.750 hecta thanh long, trong đó, trên 11.900 hecta được chứng nhận VietGAP và 517 hecta được chứng nhận GlobalGAP. Hiện, thanh long đang vào mùa thu hoạch chính, dự kiến sản lượng thu hoạch từ đây đến cuối năm đạt 437.000 tấn.

Còn theo Sở Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch được 4,3 triệu USD tương đương 2.747 tấn, giảm 6,59% về giá trị và giảm 37,83% về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thanh long xuất khẩu theo hình thức biên mậu qua cửa khẩu ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn đạt 535.600 tấn, thu về 389 triệu USD. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu biên mậu được thực hiện thông quan cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ xuất khẩu khoảng 280.000 tấn thanh long và khoảng 80.000 tấn thanh long tiêu thụ nội địa thông qua các hệ thống siêu thị trên toàn quốc…

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, dự kiến đầu tháng 8 tới, Sở sẽ phối hợp Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Pakistan. Làm được như vậy sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu trong tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

“Nông dân cũng có đề nghị hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ, Bình Thuận cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tất cả các tỉnh, có văn bản gửi và chuyển lên sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng để cho bà con người ta biết, kể cả các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long”, ông Võ Văn Hòa thông tin thêm.

Hiện giá thanh long đang xuống rất thấp, chỉ còn từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, việc vận chuyển, giao thương rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trước mắt, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm thanh long đang rất mong sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp tục duy trì hoạt động của mình.

Theo Đoàn Sĩ

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên