MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bịt kẽ hở dịch vụ giao hàng nhanh

07-09-2018 - 07:20 AM | Thị trường

Khi thương mại điện tử phát triển rộng rãi, dịch vụ chuyển phát nhanh cũng theo đà nở rộ. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện dụng, dịch vụ này cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế.

Mới đây, Công ty CP Chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) - từng được coi là anh cả trong lĩnh vực phát chuyển nhanh - bất ngờ tuyên bố dừng hoạt động với số nợ tiền thu hộ của đối tác lên tới 5,5 tỉ đồng.

Phát triển nhanh, nhiều bất cập

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đến hết tháng 8-2018, cả nước có 356 doanh nghiệp (DN) được cấp phép, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Các DN này tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

Bịt kẽ hở dịch vụ giao hàng nhanh - Ảnh 1.

Quầy giao dịch của một doanh nghiệp giao hàng nhanh tại Hà Nội

Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động chuyển phát nhanh trong khi công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ khiến nhiều người đang sử dụng dịch vụ này lo ngại sẽ trở thành bị hại, mất mát tài sản khi gửi hàng, thậm chí bị "ôm tiền" như trường hợp GNN Express vừa qua. Từ đầu năm 2018 đến nay, riêng TP Hà Nội có khoảng 80 DN được cấp phép về hoạt động bưu chính. Cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần khiến không ít DN bỏ qua khâu tuyển dụng, đào tạo lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đã có không ít khiếu nại đến từ đối tác của các công ty chuyển phát nhanh về việc hàng hóa của họ gửi đi bị hỏng hóc, đánh tráo hoặc mất. Mới đây, chủ cửa hàng kinh doanh máy ảnh trên phố Vọng Đức, TP Hà Nội cho biết anh có dùng dịch vụ chuyển phát nhanh của một công ty để chuyển chiếc máy ảnh trị giá 18 triệu đồng vào TP HCM. Tuy nhiên, khi khách nhận hàng thì bên trong lại là một chai nước. Nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" khác khi chuyển hàng có giá trị cao nhưng thời điểm nhận bên trong hộp lại là... cục gạch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm thường xuyên bị đánh tráo khi gửi qua dịch vụ của giao hàng nhanh là điện thoại di động, máy ảnh, đồng hồ hay những hàng hóa giá trị khác. Dù việc tráo sản phẩm xảy ra không ít trong quá trình vận chuyển nhưng khách hàng phải rất khó khăn mới có thể yêu cầu các đơn vị chuyển phát nhanh bồi thường.

Một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh tiết lộ không ít DN thành lập và kinh doanh nhưng phương tiện, nhân lực không đủ nên chỉ đứng ra làm đơn vị trung gian, thu gom các đơn hàng rồi thuê lại mạng lưới của bên thứ 3 để hưởng phần trăm, dẫn đến chất lượng không bảo đảm. Ngoài ra, nhiều DN đã bỏ qua các quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa, chưa chú trọng đến việc kiểm soát sản phẩm gửi dẫn đến việc bị các đối tượng tội phạm lợi dụng để vận chuyển các loại hàng cấm như vũ khí, ma túy…

Cần tăng cường quản lý

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Sở TT-TT TP Hà Nội cho biết hằng năm, sở đều có các cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động các DN trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, ông Quang thừa nhận lực lượng mỏng, trong khi lĩnh vực này lại phát triển mạnh thời gian qua nên "năm nào cũng có kế hoạch kiểm tra nhưng làm không hết được".

Theo vị lãnh đạo này, các DN trong lĩnh vực chuyển phát nhanh cũng "lười" gửi các báo cáo hoạt động về cơ quan quản lý. Do đó, sở cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, nắm tình hình kinh doanh thực tiễn.

Trước vụ việc GNN Express ôm tiền tỉ của đối tác và tuyên bố ngừng hoạt động, Sở TT-TT TP Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể. Để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra với khách hàng khi sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh, cần tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ cần có cam kết rõ ràng trước khi giao dịch.

"Một trong những giải pháp cần là bảo hiểm hàng hóa, để khi xảy ra vấn đề lúc chuyển phát, các bên cùng vào giải quyết. Việc cam kết mua bảo hiểm sẽ nâng cao trách nhiệm của DN, vai trò người đứng đầu khi điều hành" - vị lãnh đạo Sở TT-TT TP Hà Nội đề xuất.

Với các lỗ hổng trong hoạt động chuyển phát, giao hàng nhanh như hiện nay, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của những DN trong lĩnh vực này. DN nở rộ và được hoạt động khá tự do khiến nhiều mô hình bị biến tướng, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Hòe, các thỏa thuận của bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng phải rõ ràng, hoàn thiện và bảo đảm cơ sở pháp lý hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay. "Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các giao dịch trên ứng dụng là xu thế tất yếu nhưng việc ủy thác thu hộ tiền (COD) như hiện nay cần được thể hiện bằng các hợp đồng. Ở đây, cần có các hợp đồng về vận chuyển hàng hóa và nhận ủy thác thu tiền. Các bên cần lưu ý vấn đề này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình" - luật sư Hòe phân tích.

Nhiều khoảng trống pháp lý

Chuyên gia logistics Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng pháp luật về logistisc của Việt Nam còn chung chung, chưa có quy định cụ thể và nhiều kẽ hở.

Theo ông Đào, giao hàng nhanh là một dạng dịch vụ thuộc lĩnh vực logistics mà các nước trên thế giới phát triển khá thành công với cách bố trí khoa học và tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, pháp luật liên quan đến dịch vụ này hiện bị bỏ ngỏ.

"Nghị định 140 trước đây và sau đó là Nghị định 163 về kinh doanh dịch vụ logistics tuy có đề cập loại hình này nhưng rất chung chung. Trong khi đó, Luật Thương mại định nghĩa logistics là hoạt động thương mại - thương nhân nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao… - cũng chưa bắt kịp với sự phát triển tự phát của dịch vụ giao hàng nhanh hiện nay" - ông Đào chỉ rõ.

Ngoài Luật Thương mại, các dịch vụ chuyển phát, giao hàng còn được điều chỉnh bởi Luật Bưu chính. Do đó, khi có sự việc xảy ra, dễ dẫn đến tình huống không có một cơ quan quản lý đứng ra chịu trách nhiệm chính. "Vì đây là mảng dịch vụ bị pháp luật buông lỏng nên tôi đề nghị cơ quan quản lý cần có nghiên cứu để đưa ra quy định chặt chẽ hơn; cần thiết có chương, mục riêng trong luật quy định cụ thể, rõ ràng về loại hình này. Nếu không, DN chỉ cần lọt qua khâu đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư rồi tự tung tự tác hoạt động, không bị kiểm soát" - chuyên gia Đặng Đình Đào băn khoăn.

Về trách nhiệm bồi thường lúc xảy ra tranh chấp khi tham gia dịch vụ logistics nói chung và giao hàng hóa nói riêng, ông Đào dẫn Nghị định 163 cho rằng giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do các bên thỏa thuận. Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường. Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.

Như vậy, tuy đã được đề cập trong pháp luật nhưng việc quy định trách nhiệm không rõ ràng, chủ yếu là do thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, ông Đào khuyến cáo trong khi chưa lấp được lỗ hổng pháp lý thì các bên tham gia giao dịch cần cẩn trọng trong ký kết hợp đồng, tránh thiệt hại cho bản thân.

PH.NHUNG


Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên