Bitexco sẽ bán cổ phần IDC cho ai?
Bitexco và CTCP Tập đoàn S.S.G là các nhà đầu tư chiến lược, mới được chấp thuận bãi bỏ quy định hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 10 năm tại IDC.
Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco ( Bitexco ) vừa đăng ký bán toàn bộ 67,5 triệu cổ phiếu IDC, tương đương 22,5% vốn của Tổng Công ty Idico – CTCP.
Mục đích giao dịch, theo công bố, là nhằm ‘cơ cấu danh mục đầu tư’.
Bitexco cho biết sẽ giao dịch qua phương thức thoả thuận và khớp lệnh, trong khoảng thời gian từ ngày 28/5 – 25/6/2021.
Tuy nhiên, với quy mô thoái vốn lớn như vậy, thị trường cho rằng Bitexco sẽ chẳng xác định bán đơn thuần trên sàn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ hẳn đã phải tìm được người mua.
"Người mua là ai?" là câu hỏi mà thị trường đang quan tâm lúc này.
Như đã biết, Bitexco vào IDC với tư cách của một nhà đầu tư chiến lược. Cuối năm 2017, cùng với CTCP Tập đoàn S.S.G của nữ doanh nhân Nguyễn Hồng Phương, Bitexco đã vượt qua Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm để trở thành nhà đầu tư chiến lược, chia nhau 45% cổ phần IDC.
Trên giấy tờ, họ cũng là 2 cổ đông lớn nhất ở IDC lúc này. Sở hữu của nhóm S.S.G có thể còn lớn hơn nữa, bởi một số cổ đông khác ở IDC cũng có mối dây liên hệ với họ. Chẳng hạn như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt, cổ đông mới nắm giữ 3,6% cổ phần IDC.
Trên thực tế, Bitexco và S.S.G không phải là 2 tay chơi lớn duy nhất ở IDC.
Theo tìm hiểu của VietTimes, một tay chơi khác cũng đã gom được một lượng đáng kể cổ phần IDC, thông qua phiên IPO và hoạt động mua gom trên sàn. Vì lượng cổ phần này được san ra nhiều tài khoản, cho nhiều nhà đầu tư đứng tên, nên họ không "lộ diện" như một cổ đông lớn theo luật định - dù sở hữu của nhóm họ cũng chẳng thua kém 2 nhà đầu tư chiến lược kia.
Nhóm này có thực lực và tham vọng làm chủ IDC để hoàn thiện mảnh ghép bất động sản khu công nghiệp của mình. Họ đã đàm phán với Bitexco để nhận chuyển nhượng 22,5% cổ phần IDC mà tập đoàn của ông Vũ Quang Hội muốn thoái, song chưa thống nhất được mức giá.
Vấn đề là họ chắc chắn không phải là bên duy nhất "muốn" lô cổ phần IDC trên.
Có một người mua tiềm năng khác, dễ nhìn thấy, là nhóm S.S.G.
Với lượng sở hữu sẵn có (22,05% S.S.G trực tiếp đứng tên, cộng với lượng cổ phần được gom bởi những nhà đầu tư liên quan), thì nếu có thêm 22,5% cổ phần từ Bitexco, tập đoàn của bà Nguyễn Hồng Phương sẽ có cơ hội chi phối (quá bán cổ phần) tổng công ty hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở khu vực phía Nam.
IDC có gì?
IDC tiền thân là Tổng công ty Đầu tư phát triển khu đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, nổi danh trong các lĩnh vực: Đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp; Đầu tư phát triển điện năng; Giao thông; Xây dựng đô thị - nhà ở và thi công xây lắp.
Công ty này đã và đang đầu tư, quản lý vận hành khai thác 10 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.000ha, tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng. IDC cũng đang nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư 3 khu công nghiệp tại tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng với quy mô hơn 1.000ha.
Trong lĩnh vực nhà ở, IDC đang quản lý và thực hiện đầu tư 12 dự án nhà ở, khu đô thị với tổng diện tích 250ha. Đối với lĩnh vực năng lượng, IDC đang quản lý và vận hành 5 dự án thuỷ điện, có tổng công suất 322MW, tổng vốn đầu tư trên 8.500 tỉ đồng.
Năm 2021, IDC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.660,9 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 989,6 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 3% và 34% so với năm 2020.
Kết Quý 1/2021, IDC ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất ở mức 1.046,1 tỉ đồng, báo lãi trước thuế 106,7 tỉ đồng – hoàn thành 10,78% kế hoạch năm. Trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, IDC báo lãi ròng 80,1 tỉ đồng sau 3 tháng đầu năm 2021.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của IDC đạt 14.909,6 tỉ đồng, tăng 1,96% so với đầu năm và cao gấp 3,3 lần quy mô vốn chủ sở hữu. IDC đang lên phương án phát hành thêm 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 4.500 tỉ đồng.
Với giá phát hành 15.000 đồng/cp, IDC dự kiến thu về 2.250 tỉ đồng từ thương vụ này. Trong đó, IDC dự kiến dành 1.441 tỉ đồng đầu tư vào Khu công nghiệp Hữu Thạnh và 809 tỉ đồng cho dự án Khu công nghiệp Cầu Nghìn.
Vào IDC với vai nhà đầu tư chiến lược, theo phương án cổ phần hóa, Bitexco và S.S.G sẽ bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu IDC trong vòng 10 năm kể từ ngày 1/3/2018.
Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của IDC (ngày 28/4) đã thông qua việc bãi bỏ quy định hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 10 năm đối với cổ phần của cổ đông chiến lược và các nội dung liên quan đến việc hạn chế chuyển nhượng./.
Viettimes