MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[BizSTORY] Ông Nguyễn Đức Tài giải mã hệ thống quản trị bằng công nghệ của Thế giới Di động

26-08-2017 - 18:23 PM | Doanh nghiệp

“Tôi bắt đầu chia sẻ những trải nghiệm xương máu của mình, mong muốn duy nhất là các bạn có cảm hứng để làm tốt hơn cho doanh nghiệp của mình. Nếu mỗi doanh nghiệp làm tốt, sau lưng họ là hàng ngàn nhân viên, hàng ngàn gia đình tốt, nhờ thế, đất nước sẽ tốt hơn nhiều”.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chỉ tịch kiêm CEO Thế giới Di động (TGDĐ) đã chia sẻ như thế với hơn 800 doanh nhân trong hội thảo Giải mã hệ thống quản trị bằng công nghệ của TGDĐ do AnhGroup, CSMO và BizLIVE đồng tổ chức, nằm trong chuỗi Vietnam Busines 4.0 Roadshow.

TGDĐ đang quản trị chất lượng dịch vụ như thế nào? Ngoài nền tảng văn hóa doanh nghiệp, anh giải quyết bài toán này bằng hệ thống quản trị ERP như thế nào?

Thứ nhất, không thể quản lý được dịch vụ nếu không lắng nghe được khách hàng. Làm thế nào để có được hệ thống CNTT giúp cho nhân viên tiếp cận khách hàng, lắng nghe khách hàng, hiểu được khách hàng?

Lắng nghe khách hàng chính là nhân tố quyết định sự thăng tiến của nhân viên hay bị đuổi việc! Hệ thống CNTT phải giúp đo lường dịch vụ xuống đến từng nhân viên. Nếu dịch vụ này không OK sẽ có những dịch vụ tiếp theo.

Thứ hai hệ thống camera giám sát theo quy luật để đo lường mức độ tập trung của nhân viên đến từng khách hàng. Nhưng nếu văn hóa không chạy thì mọi thứ đều tiêu hết

Vì sao TGDĐ không chọn mua ERP đóng gói hay ERP cung cấp mã nguồn? Trong quá trình tự phát triển ERP thì vấn đề nào trở ngại nhất?

Lúc đó, tìm hệ thống quản trị, bán hàng không có, buộc chúng tôi phải chấp nhận tự làm.

Khi đã phát triển lớn, thấy tự làm ERP chi phí tiết kiệm hơn, cho phép đi sâu hơn vào những đặc thù của TGDĐ, như hệ thống hiển thị giá linh hoạt từ đèn LED chẳng hạn.

Tùy theo quy mô doanh nghiệp và loại hình kinh doanh, với những công ty không trong ngành bán lẻ, chỉ cần mua ERP đóng gói. Tính chất của TGDĐ rất đặc thù, nếu mua đóng gói không thể phục vụ hết nhu cầu.

Khó khăn nhất là một lúc phải làm rất nhiều thứ, thứ hai là thách thức khi công nghệ thay đổi liên tục, trọng tải tăng bất thường.

Lúc đầu hệ thống công nghệ còn đơn giản, khi phát triển lớn lên TGDĐ có bỏ đầu tư cũ?

Phần lớn là sử dụng được, giống như quy hoạch cho một thành phố, nếu quy hoạch tốt về nền tảng, có thể dự phóng cho 10-20 năm.

Hệ thống vận hành CNTT của TGDĐ có bao nhiêu nhân sự? Chi phí thiết lập hệ thống này hiện tại là bao nhiêu, chi phí vận hành 1 năm?

Tổng nhân sự khoảng 320 người. Lượng lập trình hệ thống khoảng 86 người. Chi phí lương trả nhân sự khoảng 3 tỷ/tháng.

Xây dựng hệ thống giống như TGDĐ thực chất không tốn tiền nhiều, mỗi năm xài không quá 30 tỷ. Tổng chi phí cho cả lương, thưởng, đào tạo khoảng 100 tỷ cho nhân sự

Chế độ đãi ngộ nhân sự và đào tạo nhân sự?

Lương tương đối tốt, trên trung bình, thưởng khoảng 3%. Mỗi năm thêm khoảng 1000 tỷ cho nhân viên

TGDĐ đang thu tiền doanh thu hệ thống siêu thị thế nào?

Ngân hàng đang thu hộ

Chi phí quan lý hệ thống TGDĐ chiếm bao nhiêu % chi phí vận hành?

Khoảng 10%

Doanh nghiệp nhỏ và startup học được gì từ TGDĐ? Nên chọn hy sinh tăng trưởng để xây dựng hệ thống hay tích lũy tài chính rồi mới xây dựng hệ thống?

Khi tôi mở cửa hàng đầu tiên công nghệ chưa có gì, chỉ dùng Excel, đến cửa hàng thứ hai đã ý thức xây hệ thống để quản lý.

Thay vì cách làm của các hệ thống bán lẻ ĐTDĐ khác, ngày hôm nay có vài trăm shop mà không có gì sau lưng.

Khi ý thức làm cái gì lớn lao phải đào móng chắc chắn, nhưng không có nghĩa là lấy hết tiền tăng trưởng để đầu tư.

Những ngày đầu chúng tôi từng phải mua server cũ, còn hơn dùng hệ thống Excel. Tôi ý thức về tầm quan trọng của công nghệ lắm, còn muốn làm vài năm để bán cho ai đó thì khác.

Tôi muốn làm cái gì lớn lao, đi xa chứ không đầu tư vài shop để đến mùa cao điểm thì bán đi, có như thế mới đầu tư hệ thống CNTT suốt 13 năm nay.

Nhìn ở góc thực tế, các doanh nghiệp nhỏ hãy tập trung vào điều cốt lõi của mình để quản lý cái đã. Ban đầu là áp dụng Excel cơ bản, sau đó hãy mua phần mềm quản lý, rồi mua ERP đóng gói dành cho số đông doanh nghiệp.

Bên anh có bán lại hệ thống CNTT này không?

Có những đơn vị làm hệ thống này tốt hơn TGDĐ, để dùng cho số đông công ty.

Còn đây là một hệ thống rất đặc thù của TGDĐ, quản lý đến từng cái điện thoại, cực kỳ phức tạp.

Mua sẽ không biết làm gì với nó. Hãy tìm đến các công ty chuyên về CNTT dành cho số đông công ty

Việc xây dựng hệ thống quản trị phụ thuộc vào 1 người hay 1 nhóm người?

Thật ra phụ thuộc vào một vài người thôi, như anh Tín, anh Trọng. Như thế quản trị rủi ro bằng cách nào? Người ta làm việc vì niềm vui, trong đó có cả sự tôn trọng.

May mắn TGDĐ quản trị được hai điều đó, khiến cho nhân viên thấy hứng thú trong công việc, thấy đóng góp đem lại giá trị. Chúng tôi có tiền cho đội ngũ cấp cao của mình.

Nếu ai đó muốn lấy họ về phải đem lại niềm vui vượt trội. Trọng từng thổ lộ nếu ai đó nói với anh 5 tỷ-10 tỷ/ năm cũng không đó.

Phải ý thức đội ngũ lãnh đạo có quyền rất lớn trong “sân võ” này, chính điều đó tạo niềm vui, giúp họ thi thố hết chiêu của mình.

Đây là những người cống hiến, và mình phải chia sẻ thành quả với họ, khiến họ tự hào với điều đó

Trường hợp bất khả kháng xảy ra với anh Trọng và anh Tín hay nhân sự chủ chốt về CNTT, TGDĐ sẽ kế thừa thế nào?

Về cơ bản tư tưởng của của TGDĐ sẽ được thông suốt từ trên xuống dưới, tạo nên một group hiệu quả.

Bất kỳ hệ thống nào cũng không phụ thuộc vào một người, nhiều khi Tín và Trọng đi chơi cả tháng hệ thống vẫn chạy.

Ngành nào cũng phải đào tạo đội ngũ kế thừa. Các bạn có quyền chọn lựa niềm vui trong công việc, được thi thố tài năng.

Hãy đưa cho người hiểu về hệ thống giỏi nhất quyền quyết định chứ không phải người cao nhất

Bằng cách nào TGDĐ có thể mở nhiều cửa hàng trong mỗi ngày?

Đến từ nguyên tắc để cho người giỏi nhất ra quyền quyết định chứ không phải người cao nhất.

Người quản lý ở quận Tân Bình mới có quyền quyết định nên mở cửa hàng nào ở vùng Tân Bình.

Vừa rồi mở 600 shop, giao cho 100 người quản lý từng vùng, thì mức độ vài cửa hàng trong mỗi ngày không có gì cao siêu.

Khi nhiều người có quyền quyết định thì mức độ tăng trường ngày càng cao, tuy nhiên quan trọng là người cao nhất có tin đội ngũ của mình hay không!

TGDĐ đã có thời điểm nào đứng trên bờ vực phá sản chưa?

Có đấy. Thời điểm ban đầu có lúc tưởng chừng phải dứt bỏ, đó là khoảng năm 2003-2004, khi anh em dồn hết 1 tỷ đồng cuối cùng vào đầu tư, đã từng phải nói với nhau rằng đây là những đồng tiền cuối cùng, nếu không qua được thì sẽ đi làm thuê, ai về nhà nấy.

TGDĐ thành công hôm nay là câu chuyện rất dài, chính vì thế tôi bắt đầu chia sẻ những trải nghiệm xương máu của mình, mong muốn duy nhất là các bạn có cảm hứng để làm tốt hơn cho doanh nghiệp của mình.

Nếu mỗi doanh nghiệp làm tốt, sau lưng họ là hàng ngàn nhân viên, hàng ngàn gia đình tốt, đất nước sẽ tốt hơn nhiều. Khi tôi trao đổi với Trọng, Tín về chủ đề này, các bạn cũng lo ngại sợ ai đó manh nhan bắt chước.

Tôi nói hãy mở ra, hy vọng sau cuộc trò chuyện này các bạn có cảm hứng nên đầu tư CNTT để phát triển trong tương lai.

Niềm vui của người cho là có người nhận, đất nước chỉ phồn vinh khi có nhiều doanh nghiệp phồn vinh

TGDĐ đang lựa chọn giải pháp nào để tham gia cuộc cách mạng 4.0?

TGDĐ đã tích hợp nhiều thuật toán trong giải pháp CNTT, đánh giá hiệu quả. Công cụ từ lúc mới đưa ra cho đến khi đủ thông minh để thay thế con người là cả một quá trình.

Để nói được với khách hàng “giao hàng trước 4 giờ chiều” là cả một quy trình, phải đưa trí thông minh nhân tạo từ từ vào cuộc, chứ lệ thuộc vào con người thì bao nhiêu cho đủ.

Sau lưng phải có một hệ thống tự vận hành không cần có con người tác động vào.

Theo Kim Yến

BizLive

Trở lên trên