“Black Monday” trong tháng 3: 4/5 phiên giao dịch Thứ Hai giảm sâu, có phiên giảm kỷ lục trong 18 năm
Dữ liệu thống kê từ đầu tháng 3 tới nay cho thấy những phiên giao dịch vào ngày thứ hai có diễn biến khá tệ. Trong tháng 3 có 5 phiên giao dịch vào ngày thứ hai, trong đó có 4 phiên chỉ số VN-Index giảm sâu và chỉ có duy nhất một phiên tăng điểm nhưng mức tăng khá khiêm tốn.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới TTCK toàn cầu và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index giảm 33,8 điểm (4,86%) xuống 662,26 điểm. So với thời điểm đầu năm, VN-Index hiện đã mất đi 31% giá trị.
Với mức giảm 4,86%, chỉ số VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có mức giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên 30/3. Quyết định hạn chế đi lại, đóng các cửa hàng không thiết yếu từ ngày 28/3 tới ngày 15/4 để ngăn chặn dịch Covid-19 đang tác động ít nhiều tới tâm lý giới đầu tư.
Phiên giảm điểm này đã khiến vốn hóa HoSE "bay hơi" 117.527 tỷ đồng, tương ứng 5 tỷ USD. Tính từ đầu năm tới nay, vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết HoSE đã bị thổi bay 973.529 tỷ đồng, tương ứng 41,5 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 8.300 tỷ đồng trên HoSE, con số bán ròng kỷ lục trong 1 quý.
VN-Index giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên 30/3
"Black Monday" trong tháng 3
Dữ liệu thống kê từ đầu tháng 3 tới nay cho thấy những phiên giao dịch vào ngày thứ hai có diễn biến khá tệ. Trong tháng 3 có 5 phiên giao dịch vào ngày thứ hai, trong đó có 4 phiên chỉ số VN-Index giảm sâu và chỉ có duy nhất một phiên tăng điểm nhưng mức tăng khá khiêm tốn (phiên 2/3 tăng 0,25%).
Phiên giao dịch Thứ hai ngày 9/3 đánh dấu kỷ lục buồn với chứng khoán Việt Nam khi VN-Index giảm 6,28%, con số giảm kỷ lục trong vòng 18 năm.
Phiên giao dịch Thứ hai ngày 23/3 cũng khá tệ khi VN-Index giảm 6,08%. Phiên Thứ hai giảm điểm ít nhất trong tháng 3 là 16/3 với mức giảm chỉ 1,83%.
Trong khi đó, phiên Thứ hai cuối cùng của tháng 3 (30/3), chỉ số VN-Index giảm tới 4,86%. Tại mức điểm này, P/E VN-Index chỉ còn 9,81 lần, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
"Black Monday" trong tháng 3
Theo đánh giá của CTCK MBS, đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên trên thị trường vẫn còn nhiều yếu tố để nhà đầu tư cân nhắc và kỳ vọng:
+ Tâm lý thị trường dần ổn định, khi những diễn biến leo thang của dịch bệnh không còn khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo.
+ Các chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ tài khóa sâu rộng hơn trong bối cảnh đại dịch còn chưa được đưa vào tầm kiểm soát.
+ Dòng tiền đầu tư mặc dù vẫn e ngại rủi ro, nhưng vẫn có xu hướng được phân bổ vào các nhóm tài sản theo tỷ trọng nhất định. Trong khi đó, các chính sách tiền tệ, tài khóa và quy định pháp luật đều đang được nới lỏng, tạo môi trường thuận tiện cho dòng tiền quay trở lại nền kinh tế và thị trường.
+ Vắc-xin hoặc thuốc điều trị cho virus SARS-CoV-2 là điều khó khả thi trong ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có khả năng các bác sỹ tìm được phác đồ điều trị thích hợp giúp những người nhiễm bệnh nhanh chóng phục hồi, kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội ngăn chặn sự lây lan của virus, giúp số người phục hồi cao hơn số người nhiễm mới, do đó đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát.
Theo MBS, chìa khóa cho một cuộc khủng hoảng y tế luôn phải đến từ một giải pháp y tế. Vì vậy, bất kỳ tiến triển tích cực nào trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh hiện nay, dù nhỏ, cũng là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế và thị trường.