Blue Zones: 5 cộng đồng người sống thọ nhất thế giới dạy chúng ta điều gì?
Họ không đến phòng tập gym, cũng chẳng chạy marathon hay chăm chơi thể thao.
- 16-11-2019Nếu còn giữ mãi 8 lối suy nghĩ này, bạn đang tự "bẻ lái" cuộc đời đi vào ngõ cụt
- 16-11-2019Ăn thường xuyên 7 món ngon "màu đỏ" này, ung thư vú cả đời không dám bén mảng đến gần bạn
- 15-11-20197 phương pháp nuôi dạy trẻ cũ nhưng không bao giờ lỗi thời mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng nên áp dụng ngay hôm nay
Những người sống ở đảo Sardinia của Ý có tuổi thọ trung bình là 79,7 cao hơn 8 tuổi so với mức trung bình chung trên toàn thế giới. Hơn 400 người ở Okinawa Nhật Bản hiện đã sống trên 100 tuổi. Hay người dân ở thành phố Nicoya, Costa Rica có tuổi thọ trung bình lên tới 84.
Các khu vực này được gọi với cái tên "Blue Zones", nơi có một quần thể dân số sống lâu hơn đáng kể so với các khu vực khác. Ngoài ba địa điểm nói trên, thế giới còn có hai khu vực Blue Zones nổi tiếng nữa là Loma Linda, một thành phố ở tiểu bang California nơi tuổi thọ trung bình cao hơn 10 năm so với mặt bằng chung nước Mỹ.
Và không thể không kể đến Icaria, một hòn đảo ở Hi Lạp, nơi một người dân bình thường cũng sống tới tuổi 90.
Blue Zones: 5 quần thể người khỏe mạnh và sống thọ nhất thế giới dạy chúng ta điều gì?
Vậy bí quyết của người dân ở các khu vực Blue Zones là gì? Trên thực tế, họ không đến phòng tập gym, cũng chẳng chạy marathon hay chăm chơi thể thao. Thay vào đó, những người này chỉ đơn giản sống trong một môi trường thúc đẩy họ liên tục di chuyển và vận động.
Điều này có nghĩa là những người ở đảo Sardinia sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày của họ trên những sườn đồi để làm nương. Những cụ già trăm tuổi ở Okinawa và Icaria vẫn đều đặn làm vườn. Người dân ở Nicoya đi bộ gần 10 km mỗi ngày, cũng giống Cộng đồng người Cơ đốc Phục lâm ở Loma Linda thích tự mình di chuyển trên đôi chân hơn là ngồi trong ô tô.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu Blue Zones xác định: Vận động tự nhiên một cách thường xuyên là một trong những yếu tố tác động mạnh nhất đến việc tăng tuổi thọ. Đó mới là bí quyết chung của những cộng đồng sống lâu nhất trên thế giới, không phải đến phòng tập gym chạy bộ một lúc rồi về.
Dĩ nhiên, mọi so sánh đều là khập khiễng. Bạn có thể cho rằng dành cả ngày để làm vườn và đi bộ không phải là một phương pháp dưỡng sinh khả thi, nhất là trong nền kinh tế trí thức hiện nay khi phần lớn chúng ta bị trói chân vào bàn làm việc suốt cả ngày.
Di chuyển và vận động tự nhiên nghe có vẻ phi thực tế với đại đa số mọi người. Nhưng sự thật là 100 năm trước, chỉ có 10% dân số làm việc trong môi trường ít vận động. Con số ngày nay ngược lại là 90%.
Một người phụ nữ lớn tuổi đi bộ trên đảo đảo Sardinia, Ý.
Nhưng mọi hi vọng không phải đều đã bị dập tắt. Bạn vẫn có thể thêm vào ngày làm việc bận rộn của mình nhiều chuyển động tự nhiên, chỉ cần bạn ý thức được ích lợi của chúng.
Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là đưa bản thân vào một chế độ tích cực vận động. Ví dụ, bạn có thể cùng con đi bộ đến trường, đạp xe đạp đi làm, đừng dắt xe máy hay ô tô ra chỉ để đi tới cửa hàng tạp hóa, đi siêu thị hay ăn tối gần nhà.
Nếu công ty bạn ở xa khiến việc đạp xe trở thành bất khả thi, bạn vẫn có thể lựa chọn các phương tiện công cộng để kết hợp đi bộ. Nếu sống ở ngoại thành, cách xa bến xe bus hoặc tàu điện, bạn có thể đạp xe tới đó để gửi trước khi di chuyển vào thành phố...
Nghiên cứu cho thấy, tốt nhất trên quãng đường từ nhà tới công ty và ngược lại, bạn nên có 15 phút đi bộ cho mỗi chiều. Tổng cộng lại là 30 phút. Bất kể một hoạt động thể chất nào được thêm vào quãng đường này cũng là một lợi thế. Đừng ngại ngần khi bạn đi bộ qua một cái xà đơn ở khu tập thể dục công cộng.
Trong trường hợp éo le nhất, khi bạn không thể tích hợp việc đi bộ vào quãng đường di chuyển từ nhà tới công ty của mình, bạn vẫn có thể dành thời gian để đi dạo ở nơi làm việc.
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ tiết lộ rằng đi bộ 6 tiếng mỗi tuần sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ung thư. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức đi bộ 2 tiếng mỗi tuần cũng đã bắt đầu có tác dụng. Nghĩa là tính ra bạn chỉ cần đi bộ 18 phút mỗi ngày để sống lâu hơn.
Bên cạnh việc kéo dài tuổi thọ, đi bộ cũng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy đi bộ là một liều thuốc tuyệt vời cho tâm trí. Đi bộ hàng ngày có thể làm giảm 40% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ theo các bác sĩ tại Viện Karolinska Thụy Điển.
Đi bộ 6 tiếng mỗi tuần sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ung thư.
Nếu những chuyến đi bộ dài không phải là điều bạn có thể tích hợp vào ngày làm việc, hãy thường xuyên đứng dậy khỏi ghế và đi bộ khoảng 5 phút mỗi tiếng đồng hồ. Điều này ít nhiều sẽ giúp bạn chuyển mình sang một lối sống vận động suốt cả ngày giống như những người dân sống trong khu vực Blue Zones.
Điểm mấu chốt cần ghi nhớ là cơ thể con người được thiết kế để di chuyển và vận động liên tục. Điều đó không có nghĩa là bạn phải sống trong một phòng tập gym hay mua máy chạy bộ về nhà rồi đặt hẳn trong phòng ngủ.
Hãy nhớ rằng các hình thức vận động tự nhiên và thường xuyên, được tích hợp vào ngày làm việc, sẽ cho hiệu quả nhiều hơn so với việc ép mình tới phòng tập để nâng tạ hay chạy bộ. Điều đó nghĩa là bạn không cần phải chạy marathon hay tham gia cuộc thi Iron Man để sống lâu và khỏe mạnh.
Hãy học tập những cộng đồng Blue Zones – vận động một cách tự nhiên và thường xuyên.
Trí thức trẻ