MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bluechips “đốt cháy” tài khoản nhà đầu tư trong 1 tuần qua: Gọi tên HPG!

Trong khoảng 1 tuần giao dịch trở lại đây, các cổ phiếu cơ bản, Bluechips đã điều chỉnh khá mạnh, tạo ra sức ép lên toàn thị trường chung. Không ít nhà đầu tư “full margin” ngay vùng đỉnh đã chịu thua lỗ nặng nề.

TTCK Việt Nam năm 2016 đã đi qua ¾ quãng đường với những tín hiệu hết sức tích cực. Trong quãng thời gian này, chỉ số VnIndex tăng một mạch từ vùng đáy 510 điểm lên sát ngưỡng 690 điểm, tương ứng 35% và đây cũng là mức cao nhất VnIndex đạt được trong vòng 8 năm trở lại đây.

Điểm đáng chú ý, đà tăng của thị trường trong năm nay chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu Bluechips, các cổ phiếu cơ bản có KQKD tích cực. Tuy vậy, trong khoảng 1 tuần giao dịch trở lại đây, các cổ phiếu này đã điều chỉnh khá mạnh, tạo ra sức ép lên toàn thị trường chung. Không ít nhà đầu tư “full margin” cổ phiếu cơ bản, Bluechips ngay vùng đỉnh đã chịu thua lỗ nặng nề.

Dưới đây là 5 cổ phiếu Bluechips giảm mạnh nhất trong giai đoạn 3/10- 10/10:

HPG –CTCP Tập đoàn Hòa Phát (giảm 11,91%)

Đóng cửa phiên giao dịch 10/10, thị giá HPG chỉ còn 39.200đ, giảm 11,91% so với cách đây 1 tuần. Nếu so với mức đỉnh 46.250đ tạo ra hồi cuối tháng 9, HPG đã giảm tới 16% và có thể nói, HPG là Bluechips giảm mạnh nhất thị trường trong tuần qua.

Trong 2 phiên giao dịch gần nhất (7/10 và 10/10), khối ngoại cũng thực hiện bán ròng 3,28 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng giá trị 134 tỷ đồng. Yếu tố này góp phần không nhỏ vào đà giảm điểm của HPG.

Hiện chưa có báo cáo KQKD quý 3 của Hòa Phát nhưng với việc giá than cốc liên tục tăng và hiện đang ở mức giá cao nhất từ đầu năm 2016 chắc hẳn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận doanh nghiệp.


HPG lao dốc trong 8 phiên giao dịch gần đây

HPG "lao dốc" trong 8 phiên giao dịch gần đây

Một thông tin đáng chú ý với HPG là UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã giao lại cho Hoà Phát tiếp quản dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất sau hơn 10 năm đình trệ. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn một năm, được chia làm 2 giai đoạn, thời gian hoạt động 70 năm.

HSG – CTCP Tập đoàn Hoa Sen (giảm 9,76%)

Ngoài HPG thì một “ông lớn” ngành thép là HSG cũng giảm mạnh 9,76% so với cách đây 1 tuần. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp thép, đặc biệt trong phân khúc tôn mạ đã đón nhận những thông tin không tích cực liên quan đến thuế chống bán phá giá. Mặc dù chưa có đánh giá chi tiết nhưng các yếu tố này đã tác động tiêu cực tới cổ phiếu các doanh nghiệp thép, trong đó có HSG.


Cũng như HPG, cổ phiếu HSG đã có giai đoạn điều chỉnh khá sâu

Cũng như HPG, cổ phiếu HSG đã có giai đoạn điều chỉnh khá sâu

Cụ thể, một số nhà sản xuất thép Trung Quốc đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới DOC đối với các sản phẩm thép cán nguội (CRC) và tôn mạ từ Việt Nam đến các thị trường này. Các nguyên đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra đối với các sản phẩm tôn mạ và CRC nhập khẩu từ Việt Nam, và những sản phẩm này phải được áp thuế bằng với mức thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã có kết luận điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế dự kiến từ 7,94% - 40,49%.

Không dừng ở đó, Ủy ban chống bán phá giá của Úc vừa ra quyết định điều tra đối với sản phẩm thép mạ hợp kim nhập khẩu Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia.

CTD – Coteccons (Giảm 9,57%)

Sau khi tạo đỉnh 269.700đ vào phiên 3/10 (giá đã điều chỉnh), cổ phiếu CTD đã có chuỗi 5 phiên sụt giảm liên tiếp với mức điều chỉnh lên tới 9,57% và lùi về 243.900đ. Thông tin Coteccons phát hành 16,37 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 3:1) cho cổ đông hiện hữu là không đủ giúp CTD duy trì đà tăng.

Việc điều chỉnh sâu của CTD có thể đến từ hoạt động chốt lãi ngắn hạn của giới đầu tư khi cổ phiếu đã tăng quá mạnh trong năm 2016. Có thể thấy như trường hợp quỹ The Ton Poh đã tiến hành “chốt lãi” CTD và không còn là cổ đông lớn của công ty kể từ ngày 4/10.


Cổ phiếu CTD điều chỉnh sau khi tạo đỉnh

Cổ phiếu CTD điều chỉnh sau khi tạo đỉnh

DHG – CTCP Dược Hậu Giang (giảm 7,05%)

Một Bluechips khác cũng giảm khá mạnh trong tuần qua là DHG. Đóng cửa phiên giao dịch 10/10, thị giá DHG chỉ còn 108.100đ, giảm 7,05% so với tuần trước đó.

Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu DHG đã tăng 70% và điều này phần nào đã khiến áp lực chốt lời gia tăng trong những phiên gần đây.

Bên cạnh đó, đà tăng của DHG trong năm 2016 còn được hỗ trợ bởi câu chuyện nới room nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có động thái nào cho thấy DHG sẽ thực hiện trong năm 2016. Bởi vậy, việc cổ phiếu DHG điều chỉnh là điều không quá bất ngờ.


Diễn biến giao dịch DHG trong thời gian gần đây

Diễn biến giao dịch DHG trong thời gian gần đây

VCS - CTCP Đá Thạch Anh cao cấp VCS (giảm 6,4%)

Trong hơn 1 năm qua, VCS là một trong những cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng nhất thị trường khi liên tục thiết lập những mốc đỉnh cao mới.

Trong 1 tuần trở lại đây, cũng như nhiều cổ phiếu lớn khác trên thị trường, VCS đã giảm 6,4% xuống 133.000đ (giá đóng cửa 10/10). Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường VCS đạt 7.980 tỷ đồng, chỉ xếp sau PVS và ACB trên sàn HNX.

Mới đây, VCS đã công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của công ty ước đạt 563 tỷ đồng, hoàn thành 94% kế hoạch cả năm.


VCS cũng chịu áp lực điều chỉnh sau quãng thời gian tăng nóng

VCS cũng chịu áp lực điều chỉnh sau quãng thời gian tăng "nóng"

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên