MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BM Windows thâm nhập thị trường nhôm kính Australia

26-04-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Thách thức với hàng rào kỹ thuật và yêu cầu cao từ người tiêu dùng, nhưng thị trường vẫn có nhu cầu lớn với khả năng chi trả lớn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, các mặt hàng chủ lực bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dầu thô,…

Riêng các sản phẩm từ nhôm xuất khẩu sang thị trường này có giá trị chỉ khoảng 3,8 triệu USD chiếm chưa đầy 2% thị phần nhôm nhập khẩu của Australia trong cả năm qua. Theo các doanh nghiệp trong ngành, thị phần khiêm tốn này phần nào xuất phát từ hàng rào kỹ thuật quá cao mà nước này đang đặt ra.

Thị trường khó tính 

Các sản phẩm vật liệu xây dựng muốn đi qua biên giới Australia phải đáp ứng loạt tiêu chuẩn và chứng nhận. Chẳng hạn, sản phẩm nhôm kính dùng trong các dự án bất động sản thương mại phải vượt qua hàng loạt các bài kiểm tra nghiêm ngặt của Hiệp hội Đo lường Quốc gia Australia để đạt tiêu chuẩn AS-2047. Tiêu chuẩn này bao gồm các chỉ số gắt gao về độ võng, vận hành, kín khí, chống thấm, khả năng chịu lực cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Bản thân người tiêu dùng Australia cũng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Trong tài liệu hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Australia, ông Lương Thanh Nghị - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại xứ sở kangaroo cho biết

"Người tiêu dùng Australia đặt ra tiêu chuẩn chất lượng rất cao và các tiêu chuẩn này được hỗ trợ bởi một loạt các quy định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các bang. Nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ tuân thủ các quy định này và sẽ không chấp nhận các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng".

BM Windows thâm nhập thị trường nhôm kính Australia - Ảnh 1.

Một thách thức khác với những doanh nghiệp muốn bán vật liệu xây dựng vào Australia là thời tiết. Đây là một trong những quốc gia có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới, với tuyết đóng băng vào mùa lạnh, và những cơn gió lớn với tốc độ lên đến 120km mỗi giờ kèm mưa đá, sấm chớp... Điều đó đòi hỏi các sản phẩm nhôm kính cũng như phụ kiện đi kèm phải có chất liệu tốt và được gia công bởi hệ thống công nghệ hiện đại.

Tiềm năng lớn

Vượt qua những thách thức trên, Australia vẫn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 227 tỷ USD vào năm 2018.

Triển vọng xuất khẩu sang thị trường khó tính này đang rộng mở trước tiến trình thực thi các hiệp định thương mại tự do. Với những cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), từ năm 2018, Australia tiến hành cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN và tiến tới 100% dòng thuế sẽ được đưa về 0% từ năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng là 2 trong số 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kỳ vọng tạp cơ hội lớn cho doanh nghiệp 2 bên.

Thực tế, trong những năm gần đây, đã có một số lô hàng nhôm kính từ Việt Nam xuất khẩu thành công sang Australia.

Gần đây nhất, BM Windows đã xuất khẩu lô hàng thành phẩm đầu tiên sang Australia, gồm toàn bộ hệ nhôm kính và phụ kiện thiết kế riêng cho dự án 999 White Horse tại bang Victoria. Để vào thị trường này, đại diện doanh nghiệp cho biết, đã mất không ít thời gian để đạt các tiêu chí gắt gao về chất lượng và kỹ thuật của chứng nhận AS-2047. 

Theo ông Trần Văn Tiến – Tổng Giám đốc BM Windows, ngành bất động sản và xây dựng tại quốc gia châu Đại Dương này đang phát triển mạnh mẽ do làn sóng nhập cư đông đúc. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

"Hơn nữa, việc xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Australia sẽ là đòn bẩy tốt, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khác, từ các nước lân cận trong khu vực châu Á đến các khu vực khó tính hơn như Mỹ, Canada...", ông chia sẻ.

BM Windows thâm nhập thị trường nhôm kính Australia - Ảnh 2.

Theo đại sứ Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất của các nhà nhập khẩu Australia là giá cả. Để tiếp cận hiệu quả với các nhà nhập khẩu từ đây, doanh nghiệp Việt Nam nên chào hàng với mức giá đã tính thuế rẻ hơn giá mặt hàng tương tự sản xuất tại nội địa. Ngoài ra, nhà cung cấp phải có khả năng sản xuất những sản phẩm có chất lượng ổn định, giao hàng đúng hạn và sẵn sàng chấp nhận những đơn hàng có giá trị vừa phải.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên