MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ 15 quy tắc lựa chọn cổ phiếu sinh lời tốt nhất của Philip Fisher

20-03-2018 - 12:14 PM | Tài chính quốc tế

Lựa chọn cổ phiếu như thế nào để hạn chế tối đa thua lỗ và đảm bảo khả năng sinh lời tốt nhất?

Trong thị trường mua bán cổ phiếu, có một thực tế bất thành văn mà nhà đầu tư nào sau khi đã tham gia thị trường một thời gian nhất định cũng đều nhận ra. Đó là kể cả khi thị trường tăng mạnh như giai đoạn vừa qua, cũng rất khó để lựa chọn được cổ phiếu tốt diễn biến cùng xu hướng tăng với thị trường chung.

Từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index, được xem như chỉ số đại diện của thị trường chứng khoán Việt Nam, đã tăng 17,78%. Nhưng chỉ có 1/6 số cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HNX và HOSE có mức tăng cao hơn chỉ số này. Thậm chí, có tới hơn 1/2 số cổ phiếu niêm yết giảm giá kể từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh VN-Index là một trong hai chỉ số thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới cùng thời gian này.

Rõ ràng, nếu nhà đầu tư không cẩn trọng và hiểu biết trong việc lựa chọn cổ phiếu để mua vào, sẽ rất khó để kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán.

Vậy nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu như thế nào để hạn chế tối đa thua lỗ và đảm bảo khả năng sinh lời tốt nhất. Bộ 15 quy tắc sau đây của Philip Fisher, tác giả cuốn sách nổi tiếng Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường đồng thời là một trong những nhà quản lý quỹ xuất chúng nhất thế kỷ XX, có thể giúp ích cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm kiếm các cổ phiếu tăng trưởng.

Liệu những sản phẩm và dịch vụ của công ty có đủ tiềm năng để phát triển trong một thị trường đủ lớn, đảm bảo doanh thu sẽ tăng trong một vài năm tới hay không?

Tiềm năng tăng trưởng doanh thu có thể đến từ việc công ty xây dựng được một mô hình đột phá để kiểm soát tốt chi phí, hoặc cũng có thể do công ty tham gia vào một thị trường có quy mô lớn nhưng còn lâu nữa mới tới giai đoạn bão hòa. Tất nhiên tình huống thứ hai sẽ mang lại cho công ty kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, Apple tham gia thị trường smartphone từ khi bắt đầu xuất hiện những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới và kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ quy mô thị trường vô cùng lớn của các sản phẩm này.

Bộ máy quản lý của công ty có đủ quyết tâm để tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm hay những quy trình sản xuất, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của các dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?

Đôi khi lãnh đạo công ty không đủ tự tin để tiếp tục khai phá các thị trường mới cho sản phẩm của mình. Ít người biết rằng, Motorola thậm chí còn sản xuất những chiếc điện thoại không phím bấm trước cả Apple, nhưng những người lãnh đạo công ty này đã không đủ quyết tâm để đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm mới mang tính khai phá nhằm chiếm lấy vị trí dẫn đầu thị trường.

Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy mô của công ty đó?

Một công ty không phát triển R&D tức là đã tự mình đóng sập cánh cửa tăng trưởng trong tương lai và sẽ sớm bị đối thủ cạnh tranh đánh bật khỏi thị trường. Trong khi một công ty dành quá nhiều ngân sách cho hoạt động R&D có thể tiêu tốn hết nhân lực và lợi nhuận tạo ra được. Chi phí R&D hiện chiếm phần lớn doanh thu của các startup công nghệ hiện nay, thậm chí nhiều startup còn huy động thêm rất nhiều tiền từ các nhà đầu tư để phát triển sản phẩm. Vì thế, đầu tư startup chứa đựng rủi ro vô cùng lớn.

Cách thức tổ chức bán hàng của công ty đã hiệu quả chưa?

CTCP Thế giới di động (HOSE: MWG) là một ví dụ điển hình thành công nhờ vào mô hình quản lý bán hàng vô cùng hiệu quả thông qua hệ thống Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resources Planning – ERP) của mình.

Biên lợi nhuận của công ty có đủ cao không?

Biên lợi nhuận của công ty như thế nào là đủ cao? Đó là khi mà công ty có biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với các đối thủ cùng ngành. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp, khi công ty có thể tiếp tục hạ giá sản phẩm để đánh bại đối thủ của mình.

Công ty đang làm gì để duy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận?

Nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm tới các kế hoạch mà ban lãnh đạo công ty đưa ra nhằm cải thiện hoặc giữ vững biên lợi nhuận của mình trước sự cạnh tranh từ các đối thủ. Một trong những chiến lược để tăng biên lợi nhuận đó là phát triển các sản phẩm mới cho những thị trường tiềm năng.

Mối quan hệ giữa bộ máy lãnh đạo và người lao động trong công ty có tốt không?

Những công ty có chế độ đãi ngộ vượt trội cho nhân viên của mình luôn thu hút được nhiều nhân sự có chất lượng cao. Vấn đề nhân sự càng đặc biệt quan trọng với những công ty mà con người đóng vai chủ chủ yếu trong việc tạo ra lợi nhuận như các định chế tài chính hoặc các startup công nghệ.

Đội ngũ lãnh đạo của công ty có đoàn kết, đồng thuận cao không?

Đã có nhiều tình huống mà mâu thuẫn giữa các thành viên hội đồng quản trị là nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh đi xuống, thậm chí dẫn tới phá sản. Năm 1984, Steve Job rời khỏi Apple sau những mẫu thuẫn với CEO do chính ông tuyển về. Kể từ đó, công ty suy thoái và gần như phá sản cho tới khi Steve Job quay lại vào năm 1997.

Công ty có thật sự có chiều sâu quản lý không?

Những doanh nghiệp mà các nhà quản lý cấp cao của công ty sẵn sàng đón nhận và đánh giá đúng những đề xuất của nhân viên sẽ khiến cho công ty có độ mở và tinh thần học tập tốt. Trong khi đó, những công ty mà ban lãnh đạo can thiệp sâu vào hoạt động hàng ngày của nhân viên và chỉ chú ý tới những điều nhỏ nhặt sẽ hiếm khi trở thành kiểu công ty có sức hút đầu tư.

Công ty có kiểm soát tốt hệ thống kế toán và phân tích chi phí không?

Các công ty thành công nhất không chỉ sản xuất một sản phẩm mà là hàng loạt các sản phẩm. Do đó, sẽ rất bất lợi nếu các nhà quản lý không có sự hiểu biết chính xác về chi phí thực của mỗi sản phẩm so với các sản phẩm khác.

Công ty có chú ý đến những khía cạnh kinh doanh tương đối khác biệt với tính chất của ngành – những khía cạnh kinh doanh mang lại cho nhà đầu tư những đầu mối quan trọng về mức độ nổi trội của công ty so với đối thủ cạnh tranh không?

Khác biệt hóa luôn mang lại cho công ty những lợi thế cạnh tranh bền vững. Chẳng hạn, các công ty thời trang cao cấp luôn có lượng khách hàng trung thành ổn định bởi cá tính trong sản phẩm của mình.

Công ty có triển vọng lợi nhuận ngắn hạn và dài hạn như thế nào?

Một số công ty sẽ hoạt động nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trong ngắn hạn. Trong khi một số khác lại hy sinh lợi nhuận trước mắt nhằm xây dựng lòng tin khách hàng, từ đó thu được những khoản lợi nhuận lâu dài. Rõ ràng, đó mới là những công ty xứng đáng để đầu tư.

Trong tương lai, nếu công ty có dự tính tăng trưởng dựa trên việc tăng vốn cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thì lợi ích của các cổ đông hiện tại có giảm sút không?

Phát hành cổ phiểu để tăng vốn là một con dao hai lưỡi với các nhà đầu tư. Nếu số vốn phát hành thêm được sử dụng hiệu quả, đó sẽ là đòn bẩy lớn để tăng trưởng lợi nhuận. Ngược lại, việc pha loãng cổ phiếu cũng có thể khiến giá trị trên mỗi cổ phiếu giảm sút nghiêm trọng.

Bộ máy quản lý của công ty có thể luôn minh bạch với các nhà đầu tư về tình hình công ty khi nó hoạt động tốt, nhưng khi công ty gặp vấn đề họ có còn minh bạch hay không?

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng xuất hiện những trường hợp mà ban lãnh đạo che dấu tình hình tiền mặt hoặc hàng tồn kho của công ty, và sau khi bị kiểm toán phát giác, cổ phiếu của công ty nhanh chóng mất gần hết giá trị.

Bộ máy quản lý của công ty có liêm khiết không?

Ban quản lý được thuê về để điều hành kinh doanh, là những người tiếp xúc với tài sản của nhà đầu tư nhiều hơn chính họ. Do đó, nếu bộ máy quản lý của công ty không liêm khiết, chi phí đại diện (Agency Costs) sẽ chiếm phần lớn lợi nhuận của công ty.

Bộ 15 quy tắc này mang lại thành công trong dài hạn cho Philip A. Fisher và là kim chỉ nam cho nhiều nhà đầu tư suốt nhiều năm qua, đặc biệt trong đó phải kể tới huyền thoại Warren Buffett.

Để đảm bảo cổ phiếu của mình sẽ tăng giá một cách chắc chắn trong tương lai, các nhà đầu tư Việt Nam cũng nên tham khảo kinh nghiệm được những người đi trước rút ra và thành công.

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên