MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ áp trần: Cách nào chống loạn giá sữa?

10-03-2017 - 15:57 PM | Thị trường

Ngày 31/3 tới đây là thời hạn cuối cùng của cơ chế áp trần giá sữa. Bộ Công Thương đã dự kiến sẽ dỡ bỏ chế độ này nhưng những gì đã diễn ra trong thời gian 2 năm 9 tháng siết chặt giá sữa chắc chắn sẽ là một kinh nghiệm lớn cho các nhà quản lý ở ngành này.

Đại gia sữa rút khỏi thị trường

Tháng 9 năm ngoái, công ty Danone- một doanh nghiệp sản xuất bơ và sữa của Pháp, lớn thứ 2 trên thế giới đã công bố thông tin quyết định rời bỏ Việt Nam, sau 20 năm gắn bó.

Cùng với thông tin này, nhãn hiệu sữa bột quen thuộc dành cho trẻ em Dumex cũng theo đó có một đợt siêu giảm giá và sau đó, dần biến mất khỏi thị trường trong nước.

Văn phòng của Danone tại Việt Nam cũng đã đóng cửa và hiện nay, trang web chính thức của nhãn hiệu sữa Dumex cũng đã ngừng hoạt động. Đại diện Danone thời điểm này chia sẻ với báo chí cho rằng, việc sự ra đi này chỉ là kế hoạch nằm trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn, không liên quan đến chính sách tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mới đây, công bố Sách Trắng- một báo cáo thường niên về các vấn đề trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (Eurocham) nhìn nhận, việc phải rời khỏi Việt Nam của một doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu thế giới, một thành viên của Eurocham (Công ty Danone- PV) là có liên quan tới các vấn đề chính sách mà tổ chức này đã nêu lên nhiều lần với Chính phủ Việt Nam mà chưa được giải quyết.

Hàm ý rằng, đó là câu chuyện về cơ chế giá trần sữa kéo dài và việc cấm quảng cáo sữa bột cho trẻ em dưới 2 tuổi được ban hành gần đây.


Sữa Dumex đã rút khỏi Việt Nam

Sữa Dumex đã rút khỏi Việt Nam

Eurocham nhấn mạnh rằng, các chính sách quản chặt giá sữa như vậy đã không mang lại tác động xã hội mong muốn và là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế thị trường.

Dẫn lại số liệu của công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen về sự sụt giảm tới 11% sản lượng tiêu thụ sữa trong 12 tháng đầu áp dụng giá trần, Eurocham cho rằng, cơ chế trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của ngành sữa. Thậm chí, đã có nghiên cứu cho thấy có tới 60% người dân được khảo sát ý kiến cho rằng, họ được hưởng lợi rất ít từ các biện pháp can thiệp vào giá sữa.

Ngay cuộc "chấm điểm" các quy định chính sách pháp luật kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chủ trì, các thủ tục kê khai giá giai đoạn năm 2014-2016 là bị liệt vào danh sách 30 thủ tục kém nhất đối với doanh nghiệp. Bởi cơ chế "thông báo" bị biến thành "xin phép". Trong 14 mặt hàng thuộc diện bình ổn của Luật giá, hiện nay, sữa là mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các biện pháp quản lý giá như vậy.

Sẽ buông giá sữa theo thị trường

Tuy nhiên, nhìn lại quãng thời gian dài áp dụng giá trần sữa, có thể nói người tiêu dùng Việt Nam vẫn hưởng lợi từ chế độ bình ổn giá sữa của Nhà nước.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, nếu so với thời điểm trước khi thực hiện bình ổn giá tháng 6/2014, giá bán lẻ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm đáng kể.

Trong đó, giá sữa ở TP.HCM giảm từ 1-34%; Hà Tĩnh giảm 0,1-30%; Đà Nẵng giảm 0,8-28,02%; Lào Cai giảm 0,1-34%, Bình Định giảm 0,1-31%, Bình Dương giảm 9,92-26,25%...

Một số sản phẩm sữa quen thuộc đã giảm mạnh như Enfagrow A+3 900gr giảm khoảng 34%, Friso 4 900gr giảm khoảng 0,19%, Grow g-powder vanilla 400gr giảm khoảng 14%, Nan HA 400gr giảm khoảng 3,01%, Dielac Star Care HG 400gr giảm khoảng 6%... tuỳ theo thị trường.

Tình trạng giá sữa nhảy múa liên tục như ở giai đoạn trước đã không còn nữa. Trong 900 mặt hàng sữa hiện nay, các mặt hàng cũ hầu như không tăng giá, còn giá bán ở các sản phẩm sữa mới đều được Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính giám sát chặt từ các yếu tố đầu vào đến giá bán lẻ tới người tiêu dùng.

Dù vậy, sau 2 năm 9 tháng khống chế giá sữa và trong bối cảnh hiện nay, không có những bất ổn về đầu vào của ngành sữa, Bộ Công Thương đang dự kiến sẽ nới lỏng, bỏ giá trần sữa sau ngày 31/3.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng về vấn đề này và việc quyết định dỡ trần giá sữa sẽ do Chính phủ quyết định.

Ông An cũng bày tỏ quan điểm về lâu dài, cần để giá sữa tự điều chỉnh theo các quy luật thị trường về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng.

Chuẩn bị cho giai đoạn "hậu" giá trần, Bộ Công Thương cũng sẽ ban hành một Thông tư mới theo hướng trả cho doanh nghiệp quyền tự do định giá như trước đây. Tuy nhiên, sữa vẫn phải làm thủ tục kê khai giá tới cơ quan chức năng và các cơ quan chức năng này vẫn phải giám sát tính hợp lý của giá sữa theo quy định của Luật Giá.

Dù vậy, thách thức cho bài toán quản lý giá sữa thời gian tới để không phải "áp trần" chắc chắn sẽ không đơn giản, bởi giá đầu vào của ngành sữa hơn 2 năm qua đã tăng lên khá nhiều.

Đại diện cho 5 hãng sữa lớn ở Việt Nam, Eurocham này bày tỏ mong muốn một chính sách quản lý ổn định, nhất quán. Các biện pháp can thiệp của Nhà nước vào giá sữa cần có cơ sở vững chắc hơn và nếu có trường hợp cần thiết phải áp dụng bình ổn thì chỉ nên áp dụng trong một thời gian nhất định.

Riêng đối với sữa công thức, tổ chức này cho rằng, các biện pháp bình ổn giá chỉ cần áp dụng cho phân khúc sữa bình dân để tăng khả năng tiếp cận cho người tiêu dùng cho thu nhập thấp chứ không nên áp dụng đồng loạt cho cả phân khúc sữa cao cấp và trung bình, bởi ở 2 phân khúc này, sữa ở Việt Nam chỉ chênh lệch với các thị trường khác trong khu vực tỷ lệ 1%.

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

Trở lên trên