Bỏ áp trần giá sữa: Lạt mềm buộc chặt?
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sau khi bỏ quy định áp trần giá sữa, cơ quan quản lý sẽ ra thông tư và dùng các “biện pháp mềm” để tránh tình trạng giá sữa sẽ tăng đồng loạt như trước đây. Các chuyên gia cho rằng, cần dùng cả biện pháp thuế để giám sát doanh nghiệp.
- 02-03-2017Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kiến nghị bỏ trần giá sữa
- 18-02-2017Hà Nội áp dụng bình ổn giá sữa với trẻ dưới 6 tuổi
- 20-01-2017Tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi
Để giá do thị trường quyết định
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự kiến đến cuối tháng 3, cơ quan này sẽ chính thức công bố việc bỏ áp dụng quy định kiểm soát trần giá sữa đã áp dụng từ hai năm rưỡi qua. Cùng với bỏ trần giá sữa, cơ quan quản lý sẽ có những “biện pháp khung” để quản lý giá, không để giá sữa bị nhảy múa, làm giá như các năm trước đây.
Liên quan đến bỏ áp trần giá sữa, tại buổi công bố Sách trắng 2017 cách đây ít ngày, ông Arnaud Renard, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (NFG) EuroCham cho rằng, việc áp đặt quy định giá trần không hợp lý trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sữa. Điều này thể hiện qua thị trường sụt giảm cả về số lượng bán ra và doanh thu. Có doanh nghiệp đã phải đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam.
Ông Arnaud cũng cho hay, các thành viên của NFG đã đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và không kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa hiện hành hoặc không ban hành các biện pháp quản lý giá khác. Cùng đó, các yêu cầu liên quan đến việc kê khai giá nên được giữ đơn giản như đúng tên gọi của biện pháp này và không nên kèm theo các yêu cầu cung cấp cơ cấu giá, văn bản giải trình về mức giá.
“Để bình ổn thị trường đúng nghĩa, cần xác định rõ ràng mục đích và đối tượng thực sự cần hỗ trợ từ công tác bình ổn giá. Trong trường hợp cần thiết, chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định và đối với các sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người như quy định trong Luật Giá. Đối với thị trường sữa công thức, Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc thị trường bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp”, ông Arnaud Renard đề xuất.
Giám sát giá bán của doanh nghiệp
Cơ quan quản lý sẽ có những “biện pháp khung” để quản lý giá sữa. Ảnh: Như Ý
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, sau khi bỏ áp trần giá sữa, Bộ Công Thương sẽ để các doanh nghiệp hợp tác xã đầu mối tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương.
“Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng”, ông An cho biết.
Theo ông Lộc An, với phương thức quản lý này đồng nghĩa quy định áp trần giá sữa sẽ được bãi bỏ. Cùng đó, cơ quan quản lý sẽ truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Về lo ngại sau bỏ quy định áp giá trần, giá sữa sẽ quay lại tình trạng “loạn giá”, nhảy múa như từng diễn ra hồi năm 2015, đại diện một doanh nghiệp sữa cho hay, việc tăng giá về lý thuyết có thể xảy ra nhưng rất khó thực hiện. Bên cạnh việc đăng ký giá, các doanh nghiệp còn phải tính tới yếu tố thị phần, phân khúc cạnh tranh của từng dòng sản phẩm. Vì vậy, khó thể “một mình một ngựa” xin tăng giá.
“Mỗi hãng sữa đều chịu áp lực mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh số. Việc bắt tay tăng giá sẽ khiến người tiêu dùng không lựa chọn sản phẩm, chuyển sang dùng các loại sữa xách tay. Như vậy, doanh nghiệp sẽ thiệt hơn. Chưa kể cơ quan quản lý có thể áp dụng giá tham chiếu khi phát hiện các hành vi bắt tay nhau tăng giá hoặc mua bán, làm giá lòng vòng từ nước ngoài của các hãng sữa. Tăng giá sẽ không phải là bài toán khôn ngoan”, vị này phân tích.
PGS TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc áp giá trần kéo dài mang lại khá nhiều hệ lụy. Để quản lý giá sữa khi bỏ trần, cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan thuế và hải quan, chỉ cần tập trung “soi” từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khi ra thành sản phẩm tới tay người tiêu dùng. “Sau bỏ giá trần sẽ khó có thể xảy ra tình trạng tăng giá sữa đồng loạt vì thực tế các doanh nghiệp vẫn phải kê khai và đăng ký giá với cơ quan quản lý về giá. Nếu thấy giá vô lý, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể bác và như vậy sản phẩm không thể ra được thị trường”, ông Long nói.
Sẽ có thông tư hướng dẫn quản lý giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi
Bộ Công Thương cho biết, về đối tượng điều chỉnh, Thông tư của Bộ Công Thương, sẽ bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sữa trong nước; doanh nghiệp, hợp tác xã nhập khẩu; thương nhân phân phối, bán lẻ sữa); các cơ quan quản lý nhà nước cơ liên quan.
Tiền phong