Bỏ cọc đấu giá đất: "Bỏ của chạy lấy người"
Tại một số địa phương, nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đất chấp nhận chịu mất tiền cọc, không nộp tiền trúng đấu giá.
- 19-10-2021Đất thôn quê nóng sốt, đấu giá sôi sùng sục, trúng rồi... bỏ cọc 'chạy làng' hàng trăm tỷ
- 19-10-2021Đất ngoại thành Hà Nội rục rịch tăng giá
- 18-10-2021Rầm rộ đấu giá đất ngoại thành đến 2023, Hà Nội dự kiến thu về 100.000 tỷ đồng
Trong cơn sốt đất hồi đầu năm, nhiều nhà đầu tư đã chen lấn tham gia các buổi đấu giá đất tại các địa phương. Tại đây, họ sẵn sàng trả mức giá cao gấp đôi, gấp 5 lần giá khởi điểm ban đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều lô đất đã bị bỏ cọc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư tại các địa phương và làm lỡ mất cơ hội mua đất của những người có nhu cầu thật. Một số địa phương đang tiến hành các giải pháp để chấn chỉnh hiện tượng này.
Tại một số địa phương, nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đất chấp nhận chịu mất tiền cọc, không nộp tiền trúng đấu giá khiến các lô đất có kết quả đấu giá bị hủy.
Điều đáng nói, những lô đất này từng được trả giá rất cao vào thời điểm đưa ra đấu giá, khi thị trường đang lên cơn sốt. Ví dụ, một mảnh đất có giá khởi điểm mỗi lô chỉ 250 triệu đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá được đẩy lên mức từ 1 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng. Thực tế, nhiều trường hợp đã sang tên ngay tại buổi đấu giá, thu lời ngay lập tức hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng, không tìm được người mua lại suất đã trúng đấu giá, các nhà đầu tư này đành "bỏ của chạy lấy người".
Đến thời điểm này, nhiều lô đất đã bị bỏ cọc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh, họ không đủ tiền nộp theo hạn định. Thành phố phải ra quyết định hủy bỏ. Một số người từ địa phương khác đến tham gia đấu giá, do không nắm được giá đất trên địa bàn nên đã trả giá cao hơn mặt bằng chung", ông Nguyễn Văn Doanh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, cho biết.
"Họ xác định mua bất động sản đó. Ví dụ họ có 1 tỷ, họ có thể đặt cọc 10 mảnh. Khi thị trường vỡ, họ không đủ tiền vào nên họ bỏ cọc. Đa phần nhà đầu tư chạy theo sóng không có tiền thật, họ dùng đòn bẩy tài chính, vay mượn", ông Tống Thanh Chung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sky Group, cho hay.
Theo quy định hiện nay, tiền đặt cọc trước tối thiểu là 5% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Tỉnh Thanh Hóa vừa qua đã có văn bản yêu cầu nâng mức đặt trước này lên tới 20%. Ngoài ra, một số địa phương khác kiến nghị siết chặt quản lý tình trạng đầu cơ đất đai.
Mặc dù các địa phương vẫn thu được khoản tiền tương đối lớn từ việc người đấu giá đặt cọc trước đó, nhưng sẽ phải tổ chức đấu giá lại các lô đất bị hủy kết quả đấu giá. Về lâu dài, nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội và ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách, phát triển của các địa phương.
VTV.VN