Bộ Công an đề xuất sửa Luật Xuất cảnh, nhập cảnh
Bộ Công an cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng bổ sung thông tin về “nơi sinh” là thông tin cơ bản trong giấy tờ xuất nhập cảnh là cần thiết.
Bộ Công an vừa có tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, để thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cần bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông qua giao dịch điện tử cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”, dự thảo tờ trình nêu rõ.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết, đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam (ảnh minh họa).
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 76/2022/QH15, đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng bổ sung thông tin về “nơi sinh” là thông tin cơ bản trong giấy tờ xuất nhập cảnh là cần thiết.
Tờ trình cũng cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 45, Điều 46 theo hướng Bộ Công an chủ trì đề xuất đàm phán ký kết các Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ liên quan đến xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam cho phù hợp với quy định của Luật Điều ước quốc tế và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an trong công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Bộ Công an cũng cho biết, thời gian qua, tình trạng công dân đề nghị cấp hộ chiếu khi đến hẹn nhận kết quả nhưng không đến nhận hộ chiếu (không đề nghị trả hộ chiếu qua bưu chính công ích) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác trả hộ chiếu cho công dân, cũng như việc quản lý hộ chiếu đã cấp cho công dân mà không đến nhận.
Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (Điều 27) đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để đảm bảo hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng, công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung.
Lần sửa đổi này được triển khai theo hướng bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử đối với các thủ tục: Đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông qua giao dịch điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.
Đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông: Bãi bỏ quy định nộp bản chụp CMND hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân dân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh cho phù hợp. Đồng thời, phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ cấp Cục Quản lý xuất nhập cảnh về công an cấp tỉnh, từ công an cấp tỉnh về công an cấp huyện, từ công an cấp huyện về công an cấp xã.
Tiền Phong