Bộ Công an hiến kế giải pháp ổn định thị trường vàng
“Bộ Công an đã tập trung nắm tình hình, tham mưu Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó tập trung kiến nghị các giải pháp liên quan an ninh tiền tệ, tập trung sửa đổi một số quy định tại Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC”, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết.
- 15-05-2024Lo giá vàng 'nhảy múa' gây tác động xấu đến nền kinh tế
- 15-05-2024Giá vàng SJC, vàng nhẫn trơn tăng mạnh sáng 15/5
- 15-05-2024Một ngân hàng vừa tăng lãi suất tiết kiệm 6 tháng lên cao hàng đầu hệ thống
Sửa đổi Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC
Sáng 15/5, phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tướng Lê Quốc Hùng , Thứ trưởng Bộ Công an đồng tình với báo cáo Ban Dân nguyện, đồng thời tham gia một số ý kiến.
Về chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng , Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, biến động giá vàng vô cùng phức tạp. Vì thế, Bộ Công an đã tập trung nắm tình hình, tham mưu Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó tập trung kiến nghị các giải pháp liên quan an ninh tiền tệ, tập trung sửa đổi một số quy định tại Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC ; tăng cường quy mô dự trữ vàng; quản lý khuôn sản xuất vàng miếng SJC tại Nhà máy in tiền quốc gia... để từng bước ổn định thị trường vàng.
“Chúng tôi tập trung kiến nghị NHNN khẩn trương xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước vào thị trường vàng, như các cơ chế can thiệp vào giá mua, giá bán, cơ chế can thiệp vào cung - cầu; kịp thời bổ sung quy định biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng; ban hành quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan việc quản lý thị trường vàng; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng”, ông Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng, như quy định bắt buộc xuất hoá đơn điện tử, quy định về thuế GTGT, mã số, mã vạch, nhằm ngăn chặn tình trạng mua vàng miếng, mua bán vàng trang sức không có hoá đơn, chứng từ, mua bán tự do, người dân trả tiền mặt trực tiếp, một số cơ sở kinh doanh vàng miếng chưa được cấp phép thường bán chui cho người dân, gây thất thu cho Nhà nước.
Bộ cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiểm soát thị trường vàng, không để xảy ra các hoạt động kinh doanh vàng giả, vàng nhái SJC, qua đó ổn định thị trường, kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm để xử lý.
Chủ doanh nghiệp xem nhẹ an toàn lao động
Về phòng, chống tội phạm, ông Hùng cho biết, trong quý I/2024, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 10.925 vụ với 24.087 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội; 231 vụ, 191 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ; khởi tố 2.236 vụ, 3.358 cá nhân, tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 9.408 vụ với gần 15.000 đối tượng phạm tội về ma tuý...
Về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Hùng cho biết, năm 2023, toàn quốc xảy ra 7.144 vụ; đã điều tra, khám phá 2.913 vụ, bắt 3.192 đối tượng. Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án lừa đảo, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Về tai nạn lao động , theo ông, thời gian qua xảy ra nhiều vụ, làm chết và bị thương nhiều người, điển hình vụ nổ lò hơi làm 6 người chết tại Đồng Nai; vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Yên Bái làm 7 công nhân đang bảo trì băng chuyền tử vong và 3 công nhân khác bị thương...
“Các vụ tai nạn lao động đều có chung một vấn đề là thiếu công tác kiểm tra, kiến nghị của cơ quan chức năng về nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động. Các chủ doanh nghiệp đều muốn tối ưu hoá lợi nhuận nên xem nhẹ an toàn lao động, tiết giảm các chi phí liên quan an toàn lao động.
Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các chủ doanh nghiệp dành khoản kinh phí tương xứng đầu tư bảo đảm an toàn lao động, không vì lợi nhuận mà xem thường tính mạng của người lao động”, ông Hùng nêu.
Tiền phong