Bộ Công an: Tiếp tục làm rõ sai phạm mua sắm thiết bị, vật tư ở đợt 1 chống dịch Covid-19 tại Hà Nội
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 9 bị can khác bị đề nghị truy tố với khung hình phạt từ 10 - 20 năm do nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19.
- 12-09-2020Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị truy tố
- 01-09-2020Khởi tố bị can đối với Kế toán trưởng CDC Hà Nội
- 12-06-2020Bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội phụ trách điều hành CDC Hà Nội
Sáng 13/9, theo Bộ Công an, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ gian lận giá trị mua sắm hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 xảy ra tại CDC Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Đồng thời, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 10 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với:
Bị can Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ CDC Hà Nội. Bị can Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Ủy viên Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/ dịch vụ CDC Hà Nội.
Bị can Nguyễn Thị Kim Dung, sinh năm 1973 , Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ CDC Hà Nội. Bị can Nguyễn Ngọc Quỳnh, sinh năm 1975, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội.
Bị can Hoàng Kim Thư, sinh năm 1987, Kế toán trưởng, Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán CDC Hà Nội. Bị can Lê Xuân Tuấn sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội. Bị can Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech.
Bị can Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, Nhân viên công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông. Bị can Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST).
Bị can Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.
Bị can Nguyễn Nhật Cảm và 6 bị can khác.
Kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 . Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Kết quả điều tra xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Theo định giá thiệt hại được xác định, các bị can phải chịu trách nhiệm là hơn 5,4 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan điều tra đã thu hồi được toàn bộ số tiền trên do các bị can và gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả.
Bộ Công an cũng nêu rõ, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiếp tục làm rõ những sai phạm khác liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất đưa vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, người nào phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Pháp luật và bạn đọc