Bộ Công Thương cần hợp tác thêm với các bộ để giảm thủ tục
Cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ những quy định đang “trói” DN để giúp DN có “đất” vươn lên không chỉ trong nước, mà còn có thể “chiến đấu” với các đối thủ trên thị trường thế giới là mong mỏi lớn nhất của cộng đồng DN.
- 31-12-2016Cải thiện môi trường kinh doanh ngay từ tư duy của cán bộ, công chức
- 17-11-2016Thủ tướng nêu giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh
- 10-11-2016Môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện đáng kể
Đã có cải cách
Năm 2016 được đánh giá là năm khó khăn của các ngành sản xuất, DN với những yếu tố khách quan như: Kinh tế thế giới còn khó khăn, thị trường NK giảm nhu cầu NK, cộng với thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất trong nước. Vì thế, một số chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra trong năm 2016 hầu như chưa đạt được, như: Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành dù có mức tăng trưởng khá (tăng 7,5%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của năm 2015 và 7,6% của năm 2014 do ngành khai khoáng giảm sút mạnh (giảm 5,9%).
Ngoài những yếu tố nêu trên gây tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của DN, một lý do được giới chuyên gia, DN nhiều lần “kêu” đó là câu chuyện về chính sách “hành” DN. Có những chính sách kéo dài nhiều năm qua gây không ít phiền toái, phát sinh thêm bao nhiêu khoản chi phí cho DN.
Có thể thấy, Bộ Công Thương, với phạm vi quản lý khá rộng gồm cả thương mại và công nghiệp nên là bộ có rất nhiều thủ tục bị DN “phàn nàn”. Đồng hành với tinh thần “Chính phủ kiến tạo, hành động”, năm 2016 Bộ Công Thương đã có nhiều động thái rà soát, bãi bỏ nhiều thủ tục đã và đang “hành” DN.
Đơn cử trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012/TT-BCT tháo gỡ khó khăn cho các DN dán nhãn năng lượng, ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Bộ Công Thương cũng ký Quyết định 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng thủ tục hành chính hiện có. Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo và thành lập tổ công tác sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo.
Những nỗ lực, quyết liệt của Bộ Công Thương đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công Thương mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá: Bộ Công Thương là bộ làm tốt nhất việc cải cách hành chính, cơ cấu bộ máy.
Loại bỏ những gì cản trở sản xuất
Trước những cải cách, đổi mới về tư duy của Bộ Công Thương, nhiều chuyên gia cũng như DN đều đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Công Thương.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: “So với các bộ khác, Bộ Công Thương là bộ đi tiên phong trong vấn đề cải cách, mong rằng Bộ Công Thương tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn trong việc đi cùng DN, hỗ trợ DN, lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các DN, chuyên gia”.
Phía DN dệt may rất vui mừng khi Bộ Công Thương đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của DN khi để đi đến việc bãi bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương đã đi đến quyết định hủy bỏ thông tư, không phải là sửa đổi để đưa ra có nội dung điều chỉnh nào đó, chứng tỏ tiếp cận của cán bộ quản lý nhà nước từ Bộ Công Thương có sự thay đổi nhanh và gắn liền với các lợi ích của DN. Tuy nhiên theo ông Trường, sau khi bãi bỏ Thông tư 37, Bộ Công Thương vẫn cần xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật khác để đạt được và đảm bảo những hàng hóa sử dụng tại Việt Nam và cho người Việt Nam đạt được các chuẩn mực và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Dù đã có những cải cách bước đầu tạo được niềm tin cho DN song với vai trò là bộ có lĩnh vực quản lý khá rộng gồm cả công nghiệp và thương mại, nhất là thương mại trong quá trình hội nhập, theo các chuyên gia kinh tế, nỗ lực của Bộ Công Thương phải tiếp tục được đẩy mạnh. Đối chiếu với các cam kết của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách trong nội bộ nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Rõ ràng, chúng ta đang có độ chênh rất lớn giữa cam kết về hội nhập”, ông Doanh nhận xét và đưa ra ví dụ, cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là đến năm 2018, sẽ giải quyết thủ tục XNK ở cảng biển trong 48 giờ. Đó là cam kết mạnh mẽ. Trong khi đó, hiện đã là 2017 nhưng chúng ta vẫn còn khoảng cách xa. “Bộ Công Thương cần hợp tác thêm với các bộ khác để giảm các thủ tục có liên quan. Để thực hiện cam kết đó, không chỉ mình ngành Hải quan, Công Thương mà còn liên quan đến Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ. Cần xem xét, điều hòa, phối hợp để cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam”, ông Doanh cho hay.
Vẫn còn nhiều chiếc gông đang "cùm" DN và rất cần phải loại bỏ để tạo đà cho DN phát triển. Chính vì thế, loại bỏ những gì cản trở sản xuất kinh doanh của người dân, DN cũng chính là một “mệnh lệnh” Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải quyết liệt thực hiện: “Muốn tạo ra thay đổi, sức cạnh tranh cốt lõi ở Việt Nam phải bắt đầu bằng việc tạo ra môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép. đây là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo trong đó thành viên là Bộ Công Thương. Cái gì cản trở cho thể chế chính trị của Bộ Công Thương, không tạo điều kiện cho Bộ Công Thương và các doanh nghiệp phát triển, Chính phủ sẽ lắng nghe đề xuất của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn, sản xuất, thương mại của Việt Nam được phát triển”.
Báo hải quan