MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

09-10-2017 - 11:38 AM | Doanh nghiệp

Bộ Công Thương ngày 9-10 cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo về tình trạng taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab "lây lan" từ Hà Nội tới TP HCM.

Gần đây, xuất hiện tình trạng các xe taxi thuộc hãng taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab với nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Những xe này lưu thông trên nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP HCM, đón - trả khách bình thường.

Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab - Ảnh 1.

Khẩu hiệu phản đối Uber, Grab dán sau một taxi Vinasun lưu thông trên đường phố TP HCM sáng 8-10 - Ảnh: Lê Phong

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tình trạng trên vào sáng nay 9-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

"Bộ đã có chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo về việc này. Trong đó, xem xét liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay không"- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.

Ông Hải cũng cho biết Cục Quản lý Cạnh tranh đang nghiên cứu và sẽ có báo cáo chính thức. Hiện, chưa thể kết luận ngay được.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, ông Trịnh Anh Tuấn, cũng xác nhận hiện Cục Quản lý Cạnh tranh đang thu thập thông tin của các bên. "Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo"- ông Tuấn nói.

Trong khi đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun, xác nhận có hiện tượng trên. Theo ông, đó là tình trạng tự phát của một số tài xế, không phải chỉ đạo của hãng và lãnh đạo đơn vị đang rà soát để có hướng xử lý. Thế nhưng, những tài xế taxi lại tỏ ra bức xúc trước thông tin này bởi cho biết họ không làm việc đó.

Tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM, từ khi có Grab và Uber tham gia thị trường, hoạt động kinh doanh của nhiều hãng taxi truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút.

Các hãng taxi truyền thống cho rằng việc quản lý giữa 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ như Uber, Grab có quá nhiều bất cập. Taxi truyền thống phải "cõng" nhiều thuế, phí..., trong khi khi Uber, Grab thì không. Vì vậy, các doanh nghiệp taxi truyền thống kiến nghị phải thay đổi những quy định trong việc quản lý, áp dụng tương đồng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch - đồng nghĩa Uber, Grab phải chịu các quy định, điều kiện như taxi truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Uber, Grab phải chịu các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống thì sẽ chẳng khác gì một bước lùi trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việc này cũng làm mất tính đặc thù của taxi công nghệ, không còn tính đa dạng của các loại hình, trái quy luật của thị trường và thế độc quyền cũng không bị xóa bỏ.

Theo Phương Nhung

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên