MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương kêu gọi ưu tiên tiêu thụ xăng, dầu sản xuất trong nước

22-04-2020 - 19:06 PM | Thị trường

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng giảm mạnh, tồn kho xăng dầu tăng cao.

Giá dầu thô cũng như xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác cũng như sản xuất, cung ứng xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cũng như các nhà máy lọc dầu trong nước. Bộ Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.

Theo số liệu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và số liệu nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, cơ cấu nguồn cung xăng dầu quý 1 năm 2020 hiện ở mức 30% là nhập khẩu (tương ứng 1,85 triệu m3/tấn, sau khi trừ đi phần tái xuất còn khoảng 1,4 triệu m3/tấn) và 70% là sản xuất trong nước (3,3 triệu tấn). Tỷ lệ này là mức thông thường như 2 năm trở lại đây. Riêng mặt hàng xăng, quý 1 nguồn nhập khẩu chỉ khoảng 18,62%; sản xuất trong nước là 81,38%, trong khi quý 4 năm 2019 cơ cấu nguồn xăng là 39% nhập khẩu và 61% là sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương kêu gọi ưu tiên tiêu thụ xăng, dầu sản xuất trong nước - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng giảm mạnh, tồn kho xăng dầu tăng cao.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước, Bộ Công Thương cùng đã có văn bản chỉ đạo (CV số 1730/BCT-TTTN ngày 11 tháng 3 năm 2020 gửi các Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu) đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và ưu tiên mua hàng từ nguồn sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước xuất khẩu bổ sung 136.000 tấn xăng RON95 trong trường hợp không tiêu thụ hết tại thị trường nội địa.Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tiêu thụ hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng giảm mạnh. Tồn kho xăng dầu tăng cao ở cả doanh nghiệp sản xuất (Nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc tiêu thụ xăng dầu giảm là tình hình chung của cả trong nước và trên thế giới. Các nước trên thế giới cũng đang phải cắt giảm sản lượng sản xuất rất lớn. Vì vậy, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài diễn biến chung này.

Về việc điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh dịch Covid-19, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc: Hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Bảo đảm giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Thực hiện trích lập quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý để có dư địa điều hành giá xăng dầu những kỳ tiếp theo trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Trong hoạt động dầu khí nói chung, Bộ Công Thương cho biết, theo tính toán của ngành dầu khí, việc giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu trọng yếu của PVN, trong đó có khoản nộp ngân sách Nhà nước. Cụ thể, nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn PVN giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520.000 tỷ đồng (so với kế hoạch là 640.900 tỷ đồng); nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn giảm 38,4% so kế hoạch năm đạt 50.600 tỷ đồng (so với kế hoạch là 82.100 tỷ đồng). Trung bình giá dầu cứ giảm 1 USD thì doanh thu toàn Tập đoàn PVN giảm 4.600 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước giảm 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Bộ Công Thương cho biết đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí/PVN triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, trong đó, tập trung rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.

Cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng. Rà soát lại các nhiệm vụ thuộc công tác thăm dò - thẩm lượng, công tác phát triển mỏ mới, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020 (đón đầu khi giá dầu tăng).

Đồng thời, nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu lại các loại sản phẩm của PVN nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác. Tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2020. Cắt giảm giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra giám sát để chấn chỉnh kịp thời các chi tiêu bất hợp lý. Thực hiện nghiêm túc việc mua sắm vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu và sử dụng các dịch vụ đúng quy định và đảm bảo chất lượng.

Các đơn vị phối hợp sử dụng chung phụ tùng, vật tư cùng chủng loại; rà soát điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư theo hướng tiết kiệm. Xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn ngành dầu khí (bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn) để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2020. Xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo và kiến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp (tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.

Hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu (NMLD) là NMLD Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, các NMLD trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các NMLD trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu: cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết...

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước: cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu (ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...); khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh./.

Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên