MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương nan giải “cứu” các dự án thua lỗ

Các dự án thua lỗ doanh nghiệp vẫn phải chủ động thỏa thuận, giải quyết vấn đền tín dụng, giãn hoãn nợ hay giảm lãi vay ngân hàng…

Để “cứu” 4 dự án lớn làm ăn thua lỗ kéo dài, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kiến nghị được kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay…

Đối với dự án lớn nhất là Đạm Ninh Bình, Tập đoàn đề nghị Chính phủ cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm, đồng thời cho miễn trả lãi trong 3 năm, từ 2017 đến 2019…Liệu những giải pháp này có khả thi và giúp xử lý dứt điểm các dự án yếu kém?


Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất đề nghị Chính phủ cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm đối với Dự án Đạm Ninh Bình. (Ảnh minh họa: KT)

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất đề nghị Chính phủ cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm đối với Dự án Đạm Ninh Bình. (Ảnh minh họa: KT)

Công ty Cổ phần DAP – Vinachem (DAP Đình Vũ) là 1 trong 4 doanh nghiệp thua lỗ lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. Riêng năm 2016, nhà máy này thua lỗ khoảng 470 tỷ đồng. Nợ vay tài chính đang ở mức 817 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP – Vinachem, cho biết, dự báo năm 2017, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty tiếp tục khó khăn, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng gần 30% so với cuối 2016. Thị trường tiêu thụ trong nước giảm; chi phí tăng cao khi lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn.

“Để thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ năm 2017 phải chấm dứt thua lỗ, ngoài sự cố gắng, công ty cũng kiến nghị Tập đoàn và Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Công Thương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục cho vay vốn lưu động để mua nguyên liệu duy trì sản xuất, đề nghị các công ty trong Tập đoàn cắt giảm chi phí đầu vào, tăng cường tiêu thụ đầu ra”, ông Sinh kiến nghị.

3 dự án lớn khác thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cũng đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề, triền miên. Trong đó, đáng chú ý là Công ty ty Đạm Hà Bắc sau 2 năm hoạt động, số lỗ ước tính lên đến hơn 1.500 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn khoảng 12.000 tỷ đồng, song từ khi hoạt động đến nay nhà máy này liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Từ năm 2013 đến năm 2016 lỗ khoảng 3.300 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu tiếp tục dừng hoạt động trong năm 2017, nhà máy này sẽ lỗ thêm 1.200 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã chuyển tiền thay Công ty Đạm Ninh Bình trả ngân hàng khoản nợ gốc, lãi vay khoảng 1.460 tỷ đồng; nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho Đạm Ninh Bình là 150 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc 80 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục giám sát tài chính đặc biệt đối với các doanh nghiệp yếu kém này và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá bán than cho các đơn vị sản xuất phân bón, hiện chiếm tới khoảng 60% trong giá thành sản phẩm.

Đối với khoản vay của dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm. Cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay từ 2017-2020 là 3%/năm…

Với khoản vay lại của Bộ Tài chính cho dự án Đạm Ninh Bình, đề nghị Chính phủ cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm, đồng thời cho miễn trả lãi trong 3 năm, từ 2017 đến 2019…

Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam rằng, với các dự án thua lỗ, Tập đoàn cũng đã có các phương án trình cụ thể để giải quyết các dự án này. Nguyên nhân chủ yếu gây thua lỗ của những tập đoàn này là giá bán quá thấp. Hiện nhiều ngành đơn vị tham gia. Nếu có sự hỗ trợ về tín dụng, về thuế…sẽ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, với giải pháp liên quan đến tín dụng, giãn hoãn nợ hay giảm lãi vay ngân hàng, đây là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, Nhà nước không thể can thiệp lãi suất bao nhiêu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để duy trì nguồn thu, đảm bảo thực hiện phương án trả nợ ngân hàng.

“Đối với các khoản vay thương mại, đề nghị doanh nghiệp chủ động làm việc, Bộ Công Thương không thể yêu cầu ngân hàng này, ngân hàng kia giảm lãi suất hay giãn nợ, Chính phủ cũng không yêu cầu được việc đó. Khoản vay lại của Bộ Tài chính cho dự án Đạm Ninh Bình, Chính phủ cũng có ý kiến cần rất cân nhắc. Bộ Tài chính đứng ra để có vốn cho doanh nghiệp vay lại, nhưng thực chất tăng nợ lên sẽ quay lại bài toán hiệu quả hay không hiệu quả. Sắp tới cần chi tiết từng dự án để có kịch bản cụ thể”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ xem xét các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng phải phù hợp cam kết quốc tế, hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết để bảo vệ sản xuất trong nước. Với Luật thuế số 71 liên quan đến lĩnh vực phân bón, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ ngành khác sớm trình Chính phủ và kiến nghị Quốc hội sửa đổi để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp./.

Theo Việt Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên