Bộ Công Thương: Quản lý hóa chất trong danh mục cấm còn nhiều lỗ hổng
Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu trong thời gian gần đây theo đánh giá của các cơ quan chức năng phần nhiều là do người sử dụng đã dùng phải rượu có chứa methanol vượt quá ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất cũng như rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm để có kế hoạch ứng phó các sự cố hóa chất tại địa phương.
Thu hàng nghìn lít "rượu 3 không"
Theo Báo cáo sơ bộ của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau 12 ngày ra quân kiểm tra (từ ngày 04/03 đến ngày 15/03), cơ quan này đã xử lý 250 vụ liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó, số lượng tạm giữ, tịch thu lên đến gần 30 nghìn lít rượu cùng với 621 chai rượu các loại và 4,9 kg men, hàng trăm lít rượu ngâm.
Với số vụ vi phạm trên, cơ quan này đã ra quyết định để xử phạt hành chính với số tiền gần 500 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm khoảng 430 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng chuyên môn thì việc kiểm tra, xử phạt mới chỉ giải quyết được phần ngọn, trong khi rượu tự nấu đang có mặt ở khắp nơi, len lỏi từ các quán ăn, vỉa hè nên rất khó kiểm soát và xử lý triệt để.
Đặc biệt, khi cơ quan chức năng ra quân, kiểm tra mạnh thì các cửa hàng kinh doanh ăn uống đã tìm cách đối phó, chỉ bày bán một số loại rượu được công bố chất lượng, trong khi các loại rượu ngâm, rượu tự nấu chỉ có thể nhìn thấy trên menu (thực đơn).
Thống kê của Bộ Công Thương thì hiện rượu tự nấu chiếm tỷ lệ 70% thị phần và một thực tế là thời gian qua, rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường còn khá phổ biến. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng khó có thể tự phân biệt đâu là rượu đạt hay không đạt chất lượng.
Đáng chú ý, sau một loạt các vụ ngộ độc thời gian qua, cơ quan y tế đã phát hiện một số loại rượu được pha chế cả methanol thành rượu để bán cho người tiêu dùng, kết quả xét nghiệm mẫu rượu lấy tại một số điểm kinh doanh cho thấy nhiều mẫu có tỷ lệ methanol vượt mức cho phép đến 2.000 lần, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.
Cần kiểm soát chặt hóa chất nguy hại
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì việc quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng.
Do vậy, để hạn chế những sự việc không đáng tiếc có thể xảy ra, Người đứng đầu ngành Công Thương đã đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ cần rà soát tổng thể hệ thống quản lý pháp luật trong quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp, phụ gia…
Về công việc cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát các văn bản liên quan vấn đề quản lý hóa chất cấm, hóa chất độc hại từ trong sản xuất, nhập khẩu, thông quan, tồn chứa, sử dụng, kinh doanh…
“Vụ Pháp chế không chỉ thẩm định các đơn vị xây dựng văn bản pháp luật mà còn phải phối hợp với thanh tra để đôn đốc các đơn vị, tăng cường công tác hậu kiểm,” Bộ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị phải tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, thậm chí là kiểm tra công tác quản lý nhà nước của các Sở Công Thương.
Điểm đáng lưu ý là Bộ Công Thương có thể phối hợp hoặc không phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tại một vài điểm.
Đối với Cục Quản lý thị trường và Cục Hóa chất, Bộ trưởng yêu cầu hai đơn vị này phải có sự phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường tính chủ động, tích cực để tập trung xử lý các cơ sở sản xuất rượu trái quy định pháp luật.
Trong đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường kiểm tra tính chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại hai địa bàn lớn này, trong khi Cục Hóa chất phối hợp với hai thành phố kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hóa chất và tăng cường hậu kiểm tại địa phương, đồng thời rà lại danh mục các hóa chất nguy hiểm./.
Vietnam+