MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ công ty nước ngoài, 9x khởi nghiệp thành công nhờ nuôi trùn quế

09-05-2020 - 22:41 PM | Thị trường

Với quyết tâm sức trẻ, mô hình nuôi trùn quế sẽ mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương, góp phần giảm thiểu sản xuất hóa học trong tương lai.

Với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm và niềm đam mê tìm hướng đi riêng để phát triển kinh tế, chàng thanh niên 9X Hứa Trường Giang, ngụ tại ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã thành công với trang trại nuôi trùn quế do chính mình làm chủ, đem lại lợi nhuận từ 40 triệu đồng/tháng. Đây được xem là mô hình kinh tế mới theo hướng làm nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Sau khi tốt nghiệp ngành Bảo vệ Thực vật trường Đại học Cần Thơ, thanh niên sinh năm 1996 Hứa Trường Giang đã có việc làm ổn định tại một Công ty nước ngoài với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với niềm đam mê nghề nuôi trùn quế và ước mơ phát triển các mô hình nông nghiệp sạch nên em quyết định về nhà làm kinh tế và thành lập trang trại với thương hiệu “Trùn Quế Kiên Giang”.

Bỏ công ty nước ngoài, 9x khởi nghiệp thành công nhờ nuôi trùn quế  - Ảnh 1.

Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trùn quế cho các bạn trẻ Kiên Giang năm 2019


Trường Giang cho biết, từ nhỏ Giang đã có tính tự lập nên từ năm thứ 2 đại học, Giang đã bắt đầu đi làm thêm và tự trang trải mọi chi phí học tập, sinh hoạt ở Cần Thơ. Cũng chính quá trình đi làm thêm đó đã giúp Giang có cơ hội biết đến nghề nuôi trùn quế để bán phân hữu cơ. Nhận thấy nghề này có tiềm năng phát triển, Giang quyết định thực hiện mô hình này tại quê nhà. Với lợi thế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Trường Giang đã mua con giống về nuôi thử nghiệm tại gia đình với số lượng 200 kg.

“Xuất phát từ quá trình chăn nuôi trâu bò, lượng phân trâu bò bỏ đi nếu được tận dụng lại để sản xuất phân hữu cơ thì đó là nguồn lợi hữu cơ rất lớn, cung cấp, trả lại nguồn hữu cơ sạch cho đất”, Trường Giang chia sẻ.

Tháng 3/2018, mô hình nuôi trùn quế của Trường Giang được thực hiện trên diện tích 1.000 m2, đến nay đã có sản phẩm bán ra thị trường. Theo Giang, nuôi trùn quế cũng đơn giản và thích hợp với vùng khí hậu tại Kiên Giang, thời gian từ lúc nuôi đến thu hoạch chỉ 2 tháng.

Do có kiến thức chuyên môn nên Giang gặp nhiều thuận lợi trong quá trình chăm sóc, quản lý và kỹ thuật nuôi. Thức ăn chủ yếu của trùn quế là bùn bã hữu cơ như phân trâu, bò, rơm mục, lục bình… đây là những thứ dễ tìm kiếm ở địa phương. Qua quá trình trùn quế phân hủy sẽ cho ra nguồn phân hữu cơ tự nhiên giàu đạm bón cho cây trồng rất tốt và trồng các loại rau sạch. Nguồn phân này được Giang cung cấp cho các cơ sở trồng hoa kiểng, rau sạch trên địa bàn tỉnh và các vườn cây ăn trái ở các tỉnh như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh.

Bỏ công ty nước ngoài, 9x khởi nghiệp thành công nhờ nuôi trùn quế  - Ảnh 2.

Hứa Trường Giang bên mô hình nuôi nấm rơm


Trường Giang cho biết thêm, trùn quế cho ra nhiều dạng phân hữu cơ khác nhau và thời gian thu hoạch, giá cả cũng khác nhau. Đối với loại phân ở ẩm độ 80% với 1 tấn nguyên liệu đầu vào sẽ thu được 700 – 800 kg phân, giá bán loại phân này sẽ từ 3,5 triệu đồng/tấn. Còn với loại phân đã được sàng lọc tạp chất, đóng gói bao bì sẽ có giá 90.000 đồng/bao 10 kg. Từ nguồn thu bán các loại phân trùn quế, sau khi trừ chi phí Giang có thể thu lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/tháng.

Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi trùn quế để cung cấp nguồn phân hữu cơ tự nhiên, Giang còn sử dụng nguồn rơm rạ tại địa phương thực hiện mô hình trồng nấm rơm theo tiêu chuẩn VietGap trong nhà với diện tích 100m2 và lấy nguồn rơm mục sau trồng nấm để nuôi trùn. Qua 1 vụ trồng thử nghiệm, nấm rơm phát triển tốt cho năng suất cao, đạt 260kg/100m2, trừ chi phí Giang lợi nhuận gần 10 triệu đồng với chu kỳ sản xuất nấm 15 ngày.

Với bản lĩnh tự khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, nhạy bén và sự đam mê, tâm huyết dành cho nông nghiệp, Hứa Trường Giang hiện là một trong những đoàn viên tiêu biểu của địa phương, tích cực tham gia nhiều phong trào đoàn, là điểm sáng để thanh niên trong xã học hỏi.

“Mô hình này mang lại hiệu quả cho người trong ấp và nhân rộng ra các xã có nhu cầu chăn nuôi, hay là phục vụ nhu cầu nuôi trùn quế lấy phân hoặc lấy trùn quế để cho gà, gia súc, gia cầm ăn. Anh em ai có nhu cầu muốn phát triển kinh tế gia đình hộ chăn nuôi thì tới tham quan. Bạn Giang cũng nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện mở mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế gia đình”, anh Danh Quang Hiển, Bí thư Chi đoàn ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao cho biết.

Bỏ công ty nước ngoài, 9x khởi nghiệp thành công nhờ nuôi trùn quế  - Ảnh 3.

Các sản phẩm phân hữu cơ trùn quế đóng bao bì, đưa đi tiêu thụ tại khu vực ĐBSCL


Gần cuối năm 2019, mô hình nuôi trùn quế của Trường Giang đã đạt giải ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang do Tỉnh đoàn tổ chức. Với những giá trị lớn về sản phẩm sinh học và nguồn hữu cơ mang lại, đề án khởi nghiệp “sản xuất chế phẩm sinh học dịch trích và phân hữu cơ từ trùn quế” đáp ứng tốt xu hướng nông nghiệp sạch trong tương lai; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, Trường Giang còn được huyện đoàn Gò Quao tuyên dương Thanh niên sống đẹp năm 2019; Tỉnh đoàn Kiên Giang biểu dương Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu tỉnh Kiên Giang năm 2019.

“Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, bởi đây là từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần rất lớn trong việc giảm thải ô nhiễm môi trường từ phân của động vật. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cũng tổ chức được những buổi hội thảo để nhân rộng mô hình này, mang lại thu nhập kinh tế hộ gia đình cho thanh niên, nhân dân tại địa phương”, anh Trần Thế Hiển, Bí thư xã đoàn Thủy Liễu, huyện Gò Quao nhận xét.

Bản lĩnh tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm và quyết tâm vươn lên bằng sức lao động, thanh niên Hứa Trường Giang đã thành công với ý tưởng khởi nghiệp của mình. Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi trùn quế, không chỉ có thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình mà đây còn là một cách làm hiệu quả trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phân trâu, bò hay rơm rạ tại địa phương, tạo nguồn phân hữu cơ để trồng trọt theo hướng sạch, thân thiện với môi trường. Tạo sức lan tỏa trong thanh niên về tinh thần khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng./.

Theo Hồng Phương

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên