MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ Đại học Bách Khoa từ năm thứ 3, cựu giám đốc Cầu Đất Farm lập sàn TMĐT bán nông sản trên Tiki, Lazada và tương lai là Amazon

08-06-2020 - 12:16 PM | Doanh nghiệp

Ba năm làm Giám đốc tại Cầu Đất Farm, lăn lộn cùng với ruộng đồng, với nông dân cộng thêm những nền tảng về tự động hóa học được từ trường Bách Khoa, Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập FoodMap, đang từng bước góp phần đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử.

Mới đây trong một hội thảo, bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, chia sẻ người trong ngành vẫn kháo nhau rằng đưa nông sản lên sàn là phạm trù cao nhất của thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, có một chàng trai sinh năm 1989, người Huế, đang miệt mài theo đuổi giấc mơ đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử và đã có những bước đi đáng khích lệ ở tuổi 29.

Phạm Ngọc Anh Tùng học chuyên ngành điện tử - tự động hóa tại Đại học Bách Khoa TPHCM. Năm học thứ 3, anh quyết định rời trường để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp cho các tập đoàn.

Cái duyên với nông nghiệp đã đưa anh đến với vai trò Giám đốc Cầu Đất Farm Đà Lạt trong 3 năm. "Ba năm học tập và trưởng thành trong môi trường thuần nông nghiệp, có cơ hội làm và tìm hiểu dưới góc nhìn vừa là nhà quản lí, vừa trực tiếp sản xuất, vừa thu mua, vừa phân phối và xuất khẩu đã cho tôi kinh nghiệm về đâu đó ngành và từ đó yêu, gắn bó luôn với nông nghiệp. 3 năm trải nghiệm ấy là cơ hội quý giá mà không phải người trẻ nào ở tuổi 25 đều có thể có được", anh Phạm Tùng chia sẻ với Trí Thức Trẻ.

Bỏ Đại học Bách Khoa từ năm thứ 3, cựu giám đốc Cầu Đất Farm lập sàn TMĐT bán nông sản trên Tiki, Lazada và tương lai là Amazon - Ảnh 1.

Rời Cầu Đất Farm, anh Phạm Tùng có hơn một năm đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, tham quan các mô hình nông nghiệp, lang thang ở các siêu thị lớn. Anh tới nhiều nơi nhưng hầu như không thấy bóng dáng thực phẩm, nông sản của Việt Nam.

Những suy nghĩ, trăn trở, cộng với "máu" tự động hóa sẵn, những trải nghiệm của bản thân trong nông nghiệp và tiềm năng của ngành đã thúc đẩy anh Phạm Tùng thành lập ra FoodMap cách đây 17 tháng.

FoodMap hiểu đơn giản là sàn bán nông sản, đặc sản, rau quả tươi và ra đời trong bối cảnh câu chuyện đưa lên trái cây, rau quả Việt lên sàn thương mại điện tử vẫn còn mới, còn nhiều điều phải làm tại Việt Nam. FoodMap là trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người sản xuất là nhà máy, người nông dân và cơ sở sản xuất nhỏ. Người tiêu dùng là hộ gia đình, các doanh nghiệp, siêu thị…. Mong muốn của nhà sáng lập là cắt bớt các khâu trung gian và xây dựng một sàn nông sản đáng tin cậy cho người tiêu dùng với những thông tin minh bạch, rõ ràng.

Theo suy nghĩ của nhà sáng lập FoodMap 29 tuổi, bài toán khó nhất của trong nông nghiệp Việt Nam không phải quy trình sản xuất, không phải là phân phối hay dư lượng chất bảo vệ thực vật trong nông sản… mà nằm trong 2 "key words" tối quan trọng.

Đầu ra - Nếu không giải quyết được thì mối quan hệ với nông dân chỉ là lâu đài trên cát

"Bài toán lớn nhất trong nông nghiệp không phải quy trình, không phải phân thuốc mà liên quan đến đầu ra. Nghĩa là phải bán được hàng cho nông dân, có đầu ra cho sản phẩm của họ. Nếu không giải quyết được đầu ra, mối quan hệ với người nông dân chỉ giống như lâu đài trên cát", anh Phạm Tùng chia sẻ.

Bỏ Đại học Bách Khoa từ năm thứ 3, cựu giám đốc Cầu Đất Farm lập sàn TMĐT bán nông sản trên Tiki, Lazada và tương lai là Amazon - Ảnh 2.

Anh Tùng giải thích rằng, nông dân rất cần đầu ra với giá cả hợp lý. Họ không cần cao lắm nhưng phải có đầu ra ổn định.

Khi đã bán được hàng cho nông dân thì với "sức mạnh" của người mua, người mua có thể quay lại để đàm phán với nông dân về quy trình, chất lượng sản phẩm…. Do đó, phải bán được hàng cho nông dân thì mới giải quyết được các câu chuyện khác như an toàn sản phẩm, thu hoạch, bảo quản….

Nông nghiệp Việt Nam vốn nhỏ lẻ, manh mún nhưng lại sở hữu thời tiết phong phú, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trái. Theo anh Phan Tùng, chỉ cần cơ giới hóa, chưa nói đến hiện đại hóa, và giải quyết được bài toán về đầu ra thì nông nghiệp Việt Nam sẽ đi rất xa.

Nông sản khác với công nghệ vì có đặc sản, vùng này có mà vùng khác không thể có được. Anh Tùng ví dụ, công nghệ có thể áp dụng ở quốc gia này, quốc gia kia nhưng nói mang trái vải của Việt Nam đi trồng ở Nhật hay Mỹ thì khó thành. Do đó, nông nghiệp có tính độc đáo và đây là cơ hội để thế giới biết đến Việt Nam qua các sản phẩm độc đáo của Việt Nam.

Trở thành cánh tay nối dài của nông dân, đưa nông sản lên sàn Tiki, Lazada và tương lai là Amazon

Anh Tùng Phạm cho biết, FoodMap hiện nay đang làm việc với 2 nhà cung cấp. Thứ nhất là cá nhà cung cấp có tên tuổi sẵn, có thương hiệu sẵn. Thứ hai, là các nhà sản xuất không có tên tuổi, ví dụ như nông dân. Với các sản phẩm chưa có tên tuổi nhưng chất lượng tốt, FoodMap sẽ làm thương hiệu riêng như Nông sản Tốt lành để bán cho các đại lý, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…

Mới đây, FoodMap trở thành cánh tay nối dài với nông dân, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki. Cụ thể, FoodMap sẽ hỗ trợ những sản phẩm của các nông hộ chưa có nguồn lực, chưa có kinh nghiệm làm việc với các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki.

Anh Phạm Tùng tiết lộ, hiện FoodMap đang làm việc với vài chục doanh nghiệp để tiếp tục đưa nông sản lên sàn và doanh số tăng nhanh. Tuy nhiên, "FoodMap vẫn còn đang thận trọng" vì sàn nông sản vẫn còn là câu chuyện mới ở Việt Nam. FoodMap cũng đang xúc tiến để đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế Amazon để thế giới biết đến Việt Nam qua các đặc sản của đất nước hình chữ S.

"Tôi từng nói chuyện với rất nhiều người bạn nước ngoài, nếu chưa đến Việt Nam, họ không có một chút ấn tượng nào về nông sản Việt", anh Phạm Tùng chia sẻ và hy vọng sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, bởi ngày càng có nhiều người trẻ áp dụng công nghệ để giải bài toán về nông sản.

FoodMap hiện đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân tại Đà Lạt, miền Tây… đồng hành cùng họ để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Với nông dân, FoodMap cũng có những tiêu chí rõ ràng như sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận uy tín hoặc với các nông hộ nhỏ FoodMap sẽ xem xét các điều kiện. Bên cạnh đó, FoodMap cũng có đội ngũ đánh giá độc lập. Và tiêu chí cuối cùng nhưng rất quan trọng là sản phẩm nhận được phản hồi tích cực của khách hàng.

Nhà sáng lập FoodMap có sự tin tưởng lạc quan vào việc xuất khẩu nông sản có thương hiệu Việt trong tương lai và anh tin điều trên có cơ sở.

"Tôi tin 4 yếu tố này sẽ đưa nông sản Việt đi xa"

Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sản phẩm thô. Và trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm có thương hiệu, có giá trị hơn. "Thương mại điện tử đang thuận tiện hơn. Nhiều người trẻ có kiến thức về công nghệ thông tin đang tham gia vào nông nghiệp hơn. Nông sản Việt đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới nhưng người ta không biết đó là sản phẩm từ Việt Nam. Và điều này sẽ dần thay đổi", anh Phạm Tùng chia sẻ.

Nhà sáng lập FoodMap tin rằng nông sản Việt sẽ đi xa hơn vì 4 yếu tố sau:

Thứ nhất, việc truy xuất nguồn gốc đang được thực hiện và làm được tốt điều này, giá trị nông sản sẽ tăng lên.

Thứ hai, thị trường nội địa cho nông sản sẽ đi lên vì rõ ràng, người Việt đang nhận thấy những sản phẩm nông nghiệp trong nước rất tốt và muốn mua đồ trong nước.

Thứ ba, chính sách dành cho nông nghiệp sẽ cởi mở hơn. Ngoài du lịch và IT thì nông nghiệp là ngành rất tiềm năng của Việt Nam.

Thứ tư, nguồn vốn dành cho nông nghiệp ngày càng nhiều, từ nguồn vốn trong nước đến FDI.

Những cá nhân, tập thể, với 2 yếu tố sau, theo anh Phạm Tùng, sẽ có thể giúp giải bài toán về nông sản. Đó là những người hiểu về thị trường, về mặt hàng, đặt hàng, phân phối… và điều này cần thời gian, sự trải nghiệm, cọ sát. Thứ hai là hiểu về thương mại điện tử, bán hàng online. "Rất nhiều người Việt giỏi công nghệ, giỏi thương mại điện tử", anh Phạm Tùng nhận định.

Cùng đội ngũ cộng sự, hiện giờ 10 người chính và cộng tác viên, FoodMap đang dần góp phần đưa nông sản chất lượng Việt tới tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế qua sàn thương mại điện tử.

Cuối năm 2019, FoodMap vinh dự đại diện Việt Nam lọt vào vòng chung kết của Asia Innovates 2019 do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức tại Malaysia, 5 năm một lần tại châu Á và đoạt giải Most Impactful Innovation/Sáng tạo có ảnh hưởng nhất. Tiếp xúc với hàng 500 startup đến từ các quốc gia khác, đồng nghĩa với việc startup 17 tháng tuổi này sẽ học hỏi được nhiều điều và đang tìm kiếm nhiều cơ hội hơn nữa để đưa nông sản Việt đi xa.

Thế Trần

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên