MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ đại học và là "cừu đen" trong mắt gia đình, chàng "phượt thủ" sáng lập nên kỳ lân OYO nhờ những con gián và cánh cửa phòng cọt kẹt

06-12-2019 - 14:50 PM | Tài chính quốc tế

Thời điểm hiện tại, OYO đã trở thành nhà điều hành khách sạn đứng thứ 2 thế giới về số lượng phòng và đang sẵn sàng để vượt qua "ông lớn" Marriott International Inc. vào đầu năm tới.

Năm 19 tuổi, nhà sáng lập kiêm CEO của OYO, Ritesh Agarwal đã dành 3 tháng để du lịch khắp Ấn Độ. Ở những nơi như Darjeeling, Delhi, Goa, Kerala và Rajasthan, chàng trai trẻ này đã phải sống trong cơn ác mộng của khách du lịch tự túc: Khách sạn bẩn thỉu, cửa không thể đóng kín, sơn tường bong tróc, rệp, gián khắp phòng và phải hứng nước vào xô nhựa để lấy nước tắm.

Nhờ đó, Ritesh đã nhận ra một cơ hội kinh doanh lớn trong việc tiêu chuẩn hóa và cải thiện dịch vụ tại các khách sạn có 150 phòng hoặc ít hơn mà các chuỗi khách sạn lớn thường bỏ qua.

Khách sạn đầu tiên mang thương hiệu OYO được mở tại Gurgaon năm 2013 với tiêu chuẩn chất lượng cao: Nệm dày êm ái, TV màn hình phẳng và vòi sen nước nóng. Theo Ritesh, tỷ lệ thuê phòng đã tăng từ 18% lên 90% ngay trong tháng đầu tiên.

Bỏ đại học và là cừu đen trong mắt gia đình, chàng phượt thủ sáng lập nên kỳ lân OYO nhờ những con gián và cánh cửa phòng cọt kẹt - Ảnh 1.

Một khách sạn OYO tại Ấn Độ.

Hiện startup của chàng CEO 26 tuổi được định giá 10 tỷ USD, một phần là nhờ khoản đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD trong 2 năm qua từ tập đoàn SoftBank. OYO cung cấp vốn và đào tạo cho các chủ khách sạn, những người gia nhập vào mạng lưới và đổi thương hiệu của mình thành OYO. Ngoài ra, công nghệ khai thác dữ liệu độc quyền của OYO cũng giúp họ tối đa hóa doanh thu so với cách kinh doanh truyền thống.

Đổi lại, OYO nhận một phần doanh thu đó, với tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình là 20%. Trên khắp thế giới đang có 44.000 khách sạn OYO với 1,2 triệu phòng. Tại Mỹ, 1 đêm thuê phòng có giá từ 70 USD đến 80 USD.

Mới đây, Ritesh Agarwal đã vinh dự có tên trong danh sách Bloomberg 50 tôn vinh những cá nhân nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực trong năm 2019.

Dưới đây là một số chia sẻ của Ritesh trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg:

Anh trở thành doanh nhân như thế nào?

Bỏ đại học và là cừu đen trong mắt gia đình, chàng phượt thủ sáng lập nên kỳ lân OYO nhờ những con gián và cánh cửa phòng cọt kẹt - Ảnh 2.

Ritesh Agarwal, nhà sáng lập kiêm CEO của OYO.

Tôi lớn lên ở Rayagada, bang Orissa, miền đông Ấn Độ. 70% người dân ở đây sống dưới mức nghèo. Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu bán lẻ SIM điện thoại vì các công ty lớn không muốn kinh doanh tại một nơi nghèo nàn như Rayagada. Bố tôi mở cửa hàng tạp hóa để có thêm thu nhập cho gia đình.

Tôi là em út trong 4 anh chị em. Các anh chị tôi là kỹ sư và 2 người có bằng MBA. Sau khi tôi bỏ học đại học, bố mẹ coi tôi là "con cừu đen" (nỗi xấu hổ của gia đình) và cho rằng kết cục của tôi là trở thành một anh cắt cỏ thuê.

Tôi tình cờ nảy ra ý tưởng về OYO sau một lần đi du lịch khắp Ấn Độ trong vòng 3 tháng. Kể từ đó, tôi tập trung phát triển startup của mình và thật may mắn là nó đã thành công. Có thể nói, chính những con rệp, con gián, cánh cửa cọt kẹt và những bức tường bong tróc đã giúp tôi có ngày hôm nay.

Đến giờ bố mẹ tôi vẫn không hiểu tôi đang làm gì. Nhưng việc nhìn thấy 2 khách sạn OYO từ ban công nhà đã khiến họ yên tâm hơn. Họ nghĩ rằng tôi đang có một công việc hợp lý vì tôi không đòi thêm tiền tiêu vặt như trước nữa!

Anh làm cách nào để phát triển nhanh như vậy?

Bỏ đại học và là cừu đen trong mắt gia đình, chàng phượt thủ sáng lập nên kỳ lân OYO nhờ những con gián và cánh cửa phòng cọt kẹt - Ảnh 3.

Ritesh và nhà đầu tư tỷ phú Masayoshi Son của SoftBank.

Chưa đầy 1 năm trước, OYO chủ yếu chỉ hoạt động ở Ấn Độ và bắt đầu tạo dấu ấn ở Trung Quốc. Lúc đó, chúng tôi là nhà điều hành khách sạn lớn thứ 4 trên thế giới. Hầu như mỗi ngày OYO đều có thêm từ 70 đến 80 khách sạn mới. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, chúng tôi đã có 50 khách sạn tại 35 thành phố của Mỹ.

Tuy xây dựng doanh nghiệp ở Ấn Độ nhưng OYO đang tạo ra sản phẩm có thể phát triển ở nước ngoài. Chúng tôi cải tạo nột thất nhanh và thông minh hơn so với các công ty khác, hoạt động hiệu quả hơn thông qua một số biện pháp như dùng ứng dụng dọn phòng để lau dọn nhanh chóng và đã nhận được đánh giá cao của khách hàng.

Chúng tôi thay đổi giá trên toàn thế giới khoảng 60 triệu lần mỗi ngày, tối đa hóa doanh thu trên mỗi phòng dựa theo nhu cầu. 3 năm trước, OYO tăng trưởng 60% còn năm nay, con số đó sẽ là 300% hoặc nhiều hơn. Ở Trung Quốc, Indonesia, London hay Mỹ, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khách sạn OYO.

Mô hình kinh doanh của OYO là gì?

Tất cả mọi thứ được tối ưu hóa và khách hàng lặp lại. Thông thường, tỷ lệ thuê phòng tăng từ 30% lên 60% hay thậm chí là 80% sau khi khách sạn gia nhập mạng lưới của OYO. Ở Ấn Độ, chúng tôi chi khoảng 500 USD để cải tạo 1 căn phòng. Tại Trung Quốc, chi phí ở thành phố lớn là 750 USD trong khi ở thành phố nhỏ là 500 USD. Còn ở Mỹ, chi phí này khoảng 1.000 USD. Chúng tôi thu lại được số tiền đã bỏ ra trung bình sau 6 tháng, trên toàn cầu. Trước khi cải tạo nội thất, chúng tôi ước tính loại thiết kế nào có chi phí thấp nhất nhưng mang lại lợi nhuận tốt nhất.

Ở Ấn Độ, hơn 50% khách sạn của chúng tôi cung cấp dịch vụ đầy đủ, có nghĩa là bạn có thể đặt dịch vụ phòng. Hãy tưởng tượng việc làm điều đó với mức giá 25 USD/đêm. Đến nay, chúng tôi đã tạo ra 300.000 việc làm cho vị trí dọn phòng, lễ tân, bảo trì…

Mỗi lần vào McDonald’s, khách hàng sẽ được ăn 5 ‘cú lừa’ miễn phí: Sập bẫy từ menu đến quảng cáo giăng sẵn, bị ‘dắt mũi’ nhưng vẫn vui vẻ móc túi trả tiền!

Theo Gia Vũ

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên