Bố dượng qua đời để lại nhà cửa cho con gái riêng của vợ, họ hàng rắp tâm chiếm đoạt tài sản: Ai ngờ "gừng càng già càng cay" (P1)
Bố dượng tôi qua đời chưa được bao lâu thì họ hàng của bố đã kéo nhau đến tận nhà tôi chất vấn.
- 10-07-2024Trong cuộc họp gia đình để phân chia tài sản, tôi mạnh mẽ từ chối nhận đất đai, chỉ xin được nhận nuôi bố mẹ chồng
- 06-07-2024Kỹ năng kiếm tiền và đầu tư trong 5 năm tới giúp tăng giá trị tài sản là gì? Câu trả lời vỏn vẹn 2 chữ: GIỮ NHÀ!
- 05-07-2024Bỏ quên con trên xe được hàng xóm đập kính cứu, chủ xe đòi người cứu bồi thường, tính kiện ra tòa vì ‘phá hoại tài sản’
Mẹ tôi đã qua đời vào năm ngoái, khi ra đi bà vừa tròn 65 tuổi. Dù tôi đã chuẩn bị trước tinh thần cho ngày này, thế nhưng sự ra đi của mẹ khiến tôi mãi chưa thể trở về nhịp sống ngày thường. Năm nay, bố dượng của tôi cũng qua đời rồi, ông ấy 68 tuổi, chuyện hậu sự của ông do một tay tôi lo liệu. Dù bạn bè người thân của bố cũng có mặt giúp đỡ, thế nhưng toàn bộ chi phí do tôi chi trả, dù sao gia đình cũng sống với nhau mấy chục năm, tôi không có thù oán gì với bố, hơn thế còn thương xót ông rất nhiều.
Nhưng ngay sau khi bố dượng tôi vừa đi, căn nhà cũ của chúng tôi ngay lập tức bị chiếm đoạt, tất cả đồ đạc trong nhà đều bị người ta lấy đi mất không chừa lại một mảnh. Ban đầu tôi còn nghĩ dù gì người ta cũng là họ hàng, là anh em của bố dượng, những đồ đạc đó tôi cũng không dùng đến, nếu bọn họ muốn thì cho đi cũng được. Nào ngờ, những người đó còn quá đáng đến mức đòi hết tài sản bố dượng để lại cho tôi, khiến tôi không thể tin nổi.
Hôm đó là thứ sáu, em trai của bố dượng gọi điện thoại cho tôi, nói cuối tuần này sẽ vào thành phố một chuyến, hỏi tôi có rảnh không, muốn đến nhà tôi bàn chuyện liên quan đến căn nhà cũ. Tôi không từ chối, mà còn nhắc trước chồng chuẩn bị mấy bao thuốc, chai rượu, một ít hoa quả, định bụng đợi người ta đến thì sẽ tiếp đón chu đáo, chứ tôi cũng không có suy tính nào khác cả.
Cuối tuần đến, mới sáng sớm tôi đã nhận được điện thoại của ông chú kia:
“Lệ đấy à, các chú đến rồi, đang ở dưới cổng khu nhà cháu, bảo vệ bắt chú phải gọi điện cho cháu mới cho chú vào trong”.
Tôi nghe điện thoại xong liền nói với bảo vệ một câu, sau đó mấy ông chú kia được vào. Tiểu khu chúng tôi ở là kiểu biệt thự nhà vườn nhỏ, không đắt như khu biệt thự lớn, nhưng ở đây cũng khá thoải mái. Không lâu sau, tôi nghe thấy ở ngoài có tiếng nói, có vẻ như là tiếng của ông chú út, tôi liền chạy ra mở cửa đón người ta vào nhà.
Phải tầm 5 người đến đây, có anh trai cả của bố dượng tôi, tầm hơn 70 tuổi, con trai của ông ta đứng bên cạnh đỡ bố, có chú út, hơn 60 tuổi, có cả con trai và con dâu đứng cạnh nữa. Nhìn thấy đoàn người đông như vậy tôi bỗng cảm thấy hơi rụt rè, nhưng ngay sau đó tôi định thần lại mời tất cả vào nhà. Lúc nhỏ tôi thường được những ông chú ông bác này gọi đến nhà ăn cơm, lúc bố dượng và mẹ tôi qua đời, họ cũng giúp đỡ rất nhiều, nếu không tôi và chồng thật sự không thể gánh vác hết được.
Vào nhà xong họ cứ liên tục khen ngợi khu nhà tôi ở đẹp quá, nhà tôi cũng hoành tráng, còn khen tôi sống tốt, rồi thì bố dượng và mẹ tôi đến lúc hưởng phúc thì lại không có số, đều ra đi hết, thật đáng tiếc. Tôi vừa gật đầu đồng tình, vừa cười nói mời họ ăn hoa quả, trò chuyện mấy câu khách sáo xong thì họ cũng trực tiếp vào thẳng vấn đề luôn.
Chú út nói:
“Lệ à, cháu thấy cháu ở thành phố sống cũng sung sướng biết mấy, thôi thì căn nhà cũ kia cháu đừng về nữa, bình thường các chú các bác giúp cháu trông coi nhà cửa, có cần gì thì cháu cứ nói với các chú”.
Thực ra căn nhà cũ đã sớm bị bọn họ chiếm rồi, từ khi bố dượng tôi qua đời, bọn họ không dưới 1 lần vào nhà lấy đồ, lúc đầu tôi cũng không phản đối, thế nhưng sau này họ ra vào nhiều quá, tôi liền giao lại căn nhà cho họ, tiện cho họ trông nom. Nghe xong, tôi gật đầu đồng ý cho họ sử dụng ngôi nhà, bởi thật ra tôi cũng bận nên hầu như không trở về bao giờ. Thế nhưng chú út lại nói tiếp luôn:
“Chú hôm nay đến vẫn còn một chuyện nữa, chú nói thẳng luôn, cháu cũng biết cái khó của nhà chú rồi đấy, bác cả có hai thằng con trai, thằng lớn thì lấy vợ rồi, thằng bé thì chưa, chú cũng có hai đứa, thật sự trong nhà cũng khó khăn, không được thoải mái như các cháu. Lần này chú muốn mua lại căn nhà cũ kia, vừa hay trong thôn có một gia đình thích căn nhà đó, họ đồng ý mua với giá hơn 1 tỷ, cháu xem nếu được thì chúng ta bán luôn, bán xong chúng ta chia ra, chú với bác cả cháu lấy 900 triệu, phần còn lại của cháu, tính ra cũng chẳng chênh nhau mấy, tại vì nhà chú bác cũng thuộc diện khó khăn mà”.
Nghe xong tôi ngơ luôn, tôi cũng từng muốn bán căn nhà cũ đó đi, nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ chia tiền bán nhà với bọn họ, bởi căn nhà này trước lúc bố dượng bị ốm qua đời, ông đã hứa để lại cho tôi làm tài sản thừa kế, chỉ là bình thường tôi không hay về, thế nên mới để đám người kia sử dụng. Bây giờ họ nói thế, tôi tất nhiên là không vui nổi. Có vẻ họ cũng nhìn ra nên chú út lập tức nói:
“Cháu cũng không cần phải nghĩ nhiều đâu, dù sao bố con cháu cũng không có huyết thống, chú với bác cả là anh em ruột của bố cháu, lúc bố cháu còn sống, căn nhà này sửa sang cũng có chú với bác cháu giúp đỡ đấy chứ. Sức chú bác bỏ ra cũng không ít, cháu ở đây sống tốt như thế, nhà cũ cháu cũng không về, thế thì thôi cứ để bán đi vậy”.
Đang lúc tôi nghĩ không biết nên trả lời thế nào, chồng tôi ở bên cạnh đột nhiên cao giọng nói:
“Thưa bác với chú, dù cho có bán nhà thì tiền bạc phân chia thế nào cũng phải do nhà cháu quyết. Nhà cũ này là bố để lại cho chúng cháu, không liên quan gì đến chú bác cả, mọi người không tin thì cứ đi xem di chúc của bố cháu là rõ”.
Chồng tôi nói vậy ngay lập tức làm bọn họ phật lòng, nhất là mấy thanh niên kia, thái độ thù hằn bắt chúng tôi mang di chúc ra, còn nói chúng tôi không phải con đẻ của bố dượng, không xứng được chia tiền bán nhà, đúng ra phải là vật về với chủ.
Mạnh ai nấy cãi, còn tôi lại rơi vào trầm tư, di chúc nào nhỉ? Làm gì có di chúc nào, chuyện căn nhà cũng chỉ là lời bố dượng tôi nói miệng mà thôi, chẳng để lại thứ gì đủ sức thuyết phục cả, không có di chúc cũng chẳng có ghi âm. Đúng lúc tất cả đang cãi nhau vang nhà, ngoài cửa bỗng xuất hiện một bóng người, nói vọng vào trong:
“Mọi người đừng cãi nhau nữa, tôi có mang một thứ đến cho mọi người đây”.
Tất cả dừng lại, hướng về phía cửa nhà.
(Còn tiếp)
Phụ nữ mới